Tán thưởng người khác là một loại mỹ đức

Tán thưởng, khen ngợi người khác không chỉ khiến họ có động lực hơn mà còn là một loại tu dưỡng nhân cách, là cách làm thăng hoa khí chất của chính bản thân mình, cũng thể hiện ra cách đối nhân xử thế của bản thân, khiến tấm lòng mình rộng mở hơn.
Một người có khả năng vô tư vô lợi mà tán thưởng, khen ngợi người khác một cách chân thành thì sẽ khiến bản thân biết được chỗ thiếu sót của mình, đồng thời có thể hiểu được “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, từ đó mà không ngừng hoàn thiện chính mình.
Nhà triết học người Anh, Francis Bacon từng nói rằng người mà biết tán thưởng người khác thì trong tâm có ánh bình minh, có giọt sương và những đóa hoa đua nhau nở rộ, người mà coi thường người khác thì trong tâm kết băng giá, bốn bề khô kiệt, sơn cốc hoang vu.
Nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ, Dale Breckenridge Carnegie, cũng từng nói rằng khen ngợi người khác một cách thuyết phục luôn là cách tốt để giành được thiện cảm của mọi người. Bởi vậy, con người sống trên đời nên học cách tán thưởng, khen ngợi người khác, thường xuyên tán thưởng người khác nhiều hơn một chút thay vì thường xuyên chỉ trích lỗi lầm.
Có một câu chuyện kể về nhà văn nổi tiếng Đài Loan Lâm Thanh Huyền như thế này. Lâm Thanh Huyền hồi còn là học sinh cấp hai, học lực và hạnh kiểm của ông đều xếp loại kém. Năm ấy, ông có hai lần mắc lỗi nghiêm trọng và hai lần lỗi nhẹ, cho nên đã bị lưu ban, thậm chí còn bị đuổi khỏi ký túc xá của trường.
Rất nhiều thầy cô đã không còn hy vọng gì ở ông, nhưng thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương của ông lại không hề ghét bỏ ông. Người thầy này thường hay đưa ông về nhà ăn cơm, khi thầy bận việc phải nghỉ, còn bảo Lâm Thanh Huyền mang bài lên lớp cho các bạn.
Thầy giáo Vương từng nói với Lâm Thanh Huyền rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.
Những lời nói này của thầy đã khiến cho Lâm Thanh Huyền cảm động và trong lòng thực sự bị chấn động sâu sắc. Để không phụ nỗi khổ tâm của thầy giáo, từ đó về sau ông luôn nỗ lực cố gắng, quyết tâm trở thành một người có ích cho xã hội.
Quả nhiên sau này Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên nổi tiếng của Đài Loan. Trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp, ông cảm thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án rất tinh vi tỉ mỉ, sau cùng không kìm được lòng mình ông đã viết ra rằng: “Một tên trộm có tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy, nếu hắn làm bất luận việc gì thì đều sẽ có thành tựu nhất định”.
Ông không từng nghĩ rằng, một câu nói vô tình chỉ thuận miệng mà nói ra như vậy của mình lại ảnh hưởng đến cuộc đời của một người thanh niên. Hai mươi năm sau tên trộm đó đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một ông chủ doanh nghiệp có tiếng tăm.
Trong một lần bất ngờ gặp nhà báo Lâm Thanh Huyền, ông chủ doanh nghiệp này đã chân thành nói: “Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong con người tôi. Nó khiến tôi nghĩ rằng ngoài việc làm một tên ăn trộm ra, tôi còn có thể làm được những việc đúng đắn khác”. Và quả thực, tên trộm đã thoát thai hoán cốt, trở thành một con người hoàn toàn mới.
Nếu như năm đó không có những lời tán thưởng của thầy giáo, Lâm Thanh Huyền liệu có thể trở thành một người thành đạt như vậy? Và nếu như không có sự tán thưởng của Lâm Thanh Huyền, liệu tên trộm có đạt được những thành tựu của ngày hôm nay? Có thể thấy rằng, sự tán thưởng đối với nhân sinh là vô cùng quan trọng. Nó có thể cải biến cả cuộc đời của một người từ xấu thành tốt.
Trong cuộc sống hiện thực, mỗi người đều có khát vọng, mong ước được người khác tán thưởng, khen ngợi. Đồng dạng như vậy, mỗi người cũng cần học cách tán thưởng, khen ngợi người khác. Tán thưởng người khác và được người khác tán thưởng đều mang lại một sức mạnh to lớn cho đôi bên. Nó khiến tâm của người ta trở nên khoái hoạt hơn, mối quan hệ giữa đôi bên cũng nhân ái, an tường hơn. Tán thưởng, khen ngợi người khác còn khiến họ hướng đến thiện niệm, cải biến nhân sinh quan. Bởi vậy, tán thưởng người khác là một loại mỹ đức.
Khi chúng ta muốn phê bình, góp ý với người khác thì nhất định phải thận trọng. Trước hết phải nghĩ xem lời mà chúng ta nên nói là như thế nào, thiên về chỉ trích hay thiện chí góp ý. Bởi vì sức nặng của lời nói là vô cùng lớn. Nói một lời khích lệ giống như một đóa hoa sen nở ra, nói một lời ác giống như ngàn dao đâm tới.
Một số người không thể nói lời tán thưởng, khen ngợi người khác, thì chính là vì tâm đố kỵ quá lớn. Người mà tâm đố kỵ quá lớn thì thông thường một khi bản thân có thành tích, có vẻ vang liền hoan hỷ, nhưng khi người khác có thành tích, có tiến bộ thì không vui, thậm chí châm biếm đả kích, ghen tức tật đố đến mức khó chịu, không thể nói được lời khen ngợi. Kỳ thực, đố kỵ là biểu hiện của sự vô năng, vượt qua đố kỵ thì chính là biểu hiện của năng lực. Nếu một người thân không có tài nghệ, tâm không có thiện lương, chứa đầy sự đố kỵ, mà lại tự cao tự đại, kiêu ngạo ngút trời thì thật khó để tán thưởng, khen ngợi người khác. Người như vậy cũng khó để được người khác tán thưởng, quý trọng.
Nhân sinh có “xả” mới có thể đắc được. Một người có thể nguyện ý cho đi những lời khích lệ, lời tán thưởng chân thành thì người ấy cũng sẽ nhận được sự khoái hoạt trong tâm, đồng thời cũng nhận được sự tán thưởng từ người khác. Trái lại, một người luôn chỉ muốn đắc được mà không muốn xả thì tâm lượng hẹp hòi, thật khó để người khác nguyện ý kết giao, cuộc đời người ấy cũng khó đạt được niềm hạnh phúc và khoái hoạt thực sự.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác

Nói chuyện một cách chân thật và thẳng thắn là điều đáng quý, nhưng nếu một người nói chuyện quá thẳng, không để ý đến cảm nhận của người nghe thì rất nhiều khi lại đem đến sự tổn thương cho người nghe và tai ương cho bản thân, đồng thời cũng thể hiện sự khuyết thiếu tu dưỡng của chính mình. Bậc trí giả khi hành sự thì giữ vững chuẩn tắc của bản thân, nhưng cũng tránh hết mức việc làm tổn thương tới người khác.
Trong cuộc sống, những người nói chuyện quá thẳng thường là những người muốn thể hiện, muốn biểu đạt suy nghĩ, đánh giá của bản thân mình một cách mạnh mẽ. Đôi khi, câu trả lời, câu nhận xét của họ không chủ đích có ác ý, nhưng cách nói của họ lại khiến người nghe không tiếp thu, thậm chí khó chịu. Một số người cho rằng họ chỉ đơn giản là muốn nhấn mạnh vào sự tình và xem nhẹ cảm xúc, nhưng kỳ thực điều đó lại khiến người khác cảm thấy họ khuyết thiếu về mặt tu dưỡng.
Có không ít người nói rằng, tôi “khẩu xà tâm Phật“, hoặc tôi miệng nói vậy thôi chứ trong lòng không có gì. Nhưng khi nói chuyện mà không chú ý đến mức độ tiếp nhận của người nghe, không khởi tác dụng cho người khác tốt lên, lại còn khiến người khác tổn thương, bực tức, thì đó chính là suy nghĩ ác ý, cũng là ác khẩu vậy.
Những người trí tuệ, có phong thái cao thượng, khi biểu đạt ý kiến hay khuyên can người ta, thì không chỉ thẳng một cách gay gắt mà dùng cách nói khéo léo mà vẫn giữ được cái tâm chính trực của mình. Câu chuyện về Yến Tử, tướng quốc nước Tề, can gián vua là một ví dụ.
Vua Tề Cảnh Công có thú vui đi săn, nên ông rất quý những con chim ưng săn thỏ. Một lần người nuôi chim ưng tên là Chúc Trâu sơ ý để một con chim ưng bay mất. Vua Tề Cảnh Công nổi trận lôi đình, lệnh binh sỹ đem Chúc Trâu ra chém đầu.
Yến Tử vội đến nói với Vua rằng: “Chúc Trâu có ba tội lớn, sao có thể để hắn dễ dàng ra đi như thế được, để thần công bố tội trạng hắn xong rồi hãy xử trảm”.
Vua Cảnh Công đồng ý, Yến Tử nói lớn với Chúc Trâu: “Chúc Trâu, ngươi nuôi chim cho đại vương mà lại để chim bay mất, đây là đại tội thứ nhất. Ngươi lại khiến cho đại vương vì chim mà giết người, đây là đại tội thứ hai. Giết ngươi rồi, khiến chư hầu và người khắp thiên hạ đều biết đại vương coi trọng chim, coi nhẹ sỹ tốt, đó là đại tội thứ ba”.
Nói xong, Yến Tử quay sang chắp tay tâu với Vua Cảnh Công: “Tâu đại vương, bây giờ có thể cho xử trảm được rồi”.
Vua Cảnh Công nghe xong, mặt đỏ gay, phẩy tay nói: “Không cần chém nữa, ta hiểu ý của khanh rồi”.
Nhờ sự khéo léo, Yến Tử vẫn biểu đạt được bản ý của mình mà lại không trực tiếp làm tổn thương lòng tự trọng, uy tín của Vua Cảnh Công, khiến vua vui lòng tiếp thu. Đây là trí tuệ và nghệ thuật của lời nói.
Nói chuyện quá thẳng và quá cứng nhắc dễ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác, bởi vì ai cũng có vùng tự bảo vệ. Một khi chúng ta chạm vào vùng đó, chúng ta sẽ bị đối phương phản kháng, thậm chí chán ghét, xa lánh. Vậy làm thế nào để thay đổi cách nói chuyện này?
Nói chuyện chậm một chút
Một số người thường có thói quen nói chuyện thao thao bất tuyệt, nói nhanh và thẳng đến mức người nghe cảm thấy chán ghét. Kỳ thực, khi chúng ta nói chuyện nên nói chậm một chút. Như thế chúng ta sẽ kiểm soát được lời nói của mình, dễ dàng biết được bản thân mình đang nói gì, đồng thời cảm nhận được thái độ tiếp thu của người nghe. Chính điều này giúp chúng ta có thể điều chỉnh được nội dung, chủ đề và âm thanh của lời nói, làm cho người nghe không bị rơi vào cảnh khó xử, bất tiện, thậm chí là hổ thẹn.
Hạn chế ngữ khí phê bình
Chỉ ra sai trái, lỗi lầm của người khác là điều nên làm. Nhưng điều này cũng cần phải ở vào thời điểm, hoàn cảnh thích hợp thì người nghe mới dễ dàng tiếp thu hơn. Trong cuộc sống, một số người hễ gặp người khác là thường hay nhìn đến những mặt tiêu cực, mặt chưa hoàn thiện của họ để chỉ trích, phê bình một cách quá thẳng. Điều này kỳ thực là không nên.
Trong khi nói chuyện, chúng ta cố gắng hạn chế nói chuyện với người khác bằng giọng điệu hạ thấp, chỉ trích và mang tính dạy dỗ. Bởi vì cách nói đó sẽ khiến đối phương cảm thấy rất không thoải mái. Khi nhắc nhở người khác, chúng ta có thể cân nhắc dùng những câu nói đùa hài hước, sẽ khiến cho người nghe không cảm thấy cứng nhắc, có thể vui vẻ chấp nhận và tăng thêm thiện chí với chúng ta.
Khi cần im lặng thì nên im lặng
Trong cuộc sống, người trầm tĩnh im lặng thì có sức mạnh và chiều sâu hơn nhiều những ai “thao thao bất tuyệt”. Rất nhiều khi, im lặng lại có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Khi nhận thấy đối phương sai lầm, nói nhiều lời chỉ trích có thể dẫn đến phản tác dụng, thậm chí đẩy đối phương đến đường cùng. Cổ ngữ nói: “Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, chứ lời nói lỡ thì rất khó vãn hồi”. Cho nên, nói lời không phù hợp, không nên nói, thì không bằng im lặng.
Không đặt mình làm trung tâm
Không ít người khi nói điều gì cũng lấy mình làm trung tâm, rồi đánh giá nhận định người khác. Những người như vậy thường xuất phát từ việc thỏa mãn dục vọng và tư lợi của bản thân mà nói những lời cứng nhắc để đối phương nghe theo, chứ không phải vì để góp ý muốn đối phương tốt hơn.
Nếu chúng ta có thể suy nghĩ cho người khác trước một chút, không coi mình là trung tâm thì chúng ta có thể lắng nghe và cảm nhận được tâm ý của người khác. Từ đó, chúng ta sẽ thay đổi được thái độ và cách thức nói chuyện của mình cho phù hợp.
Trong lời nói hay việc làm, “sự đúng mực” luôn là yếu tố vô cùng quan trọng từ xưa đến nay. Người tinh tế cần có sự thấu hiểu và tôn trọng thì mới có thể không làm tổn thương người khác, mới có thể chung sống cùng người khác một cách hòa hợp và vui vẻ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Một chuyện đáng suy ngẫm về nguồn gốc của sự khổ đau

Nỗi buồn khổ của con người đến từ đâu? Là đến từ ngoại cảnh, là người khác gây ra cho mình? Thật ra thống khổ hay hạnh phúc của con người thường đến từ nội tâm, đến từ niềm vui đạt được, nỗi sợ bị mất đi. Nguồn gốc của khổ đau chính là những điều mà một người không muốn buông bỏ.
Chuyện kể rằng ở vùng nọ, có một khách sạn hết sức danh tiếng. Một dạo, ông chủ khách sạn phát hiện ra có một người lang thang ngày nào cũng ngồi bất động ở ghế đá công viên mà nhìn chằm chằm vào khách sạn của mình. Ông cảm thấy rất tò mò.
Đến một hôm, ông chủ khách sạn không thể kìm được, bèn đi đến chỗ người lang thang và hỏi: “Xin lỗi, anh bạn, tôi muốn hỏi anh một chút, tại sao ngày nào anh cũng nhìn chằm chằm vào khách sạn của tôi vậy?”
Người lang thang nói: “Bởi vì cái khách sạn này quá đẹp! Mặc dù tôi chỉ có hai bàn tay trắng và ngủ trên ghế đá, nhưng mỗi ngày tôi đều nhìn nó như vậy, đến tối sẽ mơ thấy mình được ngủ ở trong đó”.
Bất ngờ trước câu trả lời, ông chủ khách sạn liền hào phóng nói: “Anh bạn, đêm nay tôi sẽ cho anh được mãn nguyện, anh có thể ở miễn phí tại phòng tốt nhất của khách sạn trong một tháng”.
Sau một tuần lễ đi du lịch, ông chủ khách sạn trở lại và muốn xem thử tình hình của người lang thang kia như thế nào. Nhưng ông lại ngỡ ngàng khi phát hiện ra người lang thang đã sớm rời khách sạn, trở lại ghế đá công viên ngủ như trước đây.
Ông chủ khách sạn bèn đến hỏi người lang thang: “Rốt cuộc thì đã xảy ra chuyện gì?”
Người lang thang nói: “Lúc trước tôi ngủ trên ghế đá, mơ thấy được ở trong khách sạn, nên thấy rất vui vẻ. Nhưng khi ngủ trong khách sạn, tôi lại thường mơ thấy mình trở lại với chiếc ghế đá cứng nhắc này. Thật là đáng sợ. Cho nên tôi không thể chịu đựng được nữa!”
Kỳ thực nỗi khổ của một người rất nhiều khi không liên quan đến việc họ “có” hay “không có” thứ gì. Nguồn gốc của khổ đau là sự chấp trước, không buông bỏ được của người ta. Cổ nhân giảng rằng: “Con người sở dĩ thống khổ là bởi vì họ truy cầu quá nhiều”.
Đời người không thể việc gì cũng thuận theo lòng mình, nhưng con người lại thường hay lấy đó làm khổ. Người trí tuệ hiểu rõ rằng trong cuộc sống có những ước mơ là xa vời không thành hiện thực, có một số vấn đề vĩnh viễn không có câu trả lời, có một số chuyện luôn luôn không có kết thúc, có một số người mãi mãi không thể trở thành người thân…
Khổ đau thực sự cũng không phải có nguồn gốc ở bên ngoài, không phải bởi người khác đem đến cho mình, mà bởi sự tu dưỡng của bản thân mình chưa đủ, không có khả năng chấp nhận, không có khả năng buông tha cho một chút chấp niệm ấy. Có những việc rất đơn giản nhưng bị người ta làm phức tạp lên, rồi lại cảm thấy thống khổ. Thế gian ấm lạnh đều có, sau khi nếm đủ trăm vị, người ta mới ngộ ra: Mọi việc đều cần coi nhẹ, tuỳ duyên mới có thể yên lòng.
Hơn thế nữa, một người khi lâm vào ranh giới sinh tử mới hiểu được rằng trên thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Người ấy càng hiểu ra rằng hết thảy danh, lợi cũng chỉ như mây gió thoảng qua, hết thảy đều là vô thường.
Con người được Thiên thượng ban cho sinh mệnh, và cũng đồng thời được ban cho hoàn cảnh sống vô thường này. Cũng chỉ có sự an bài của tạo hóa như vậy thì con người mới biết quý trọng cuộc sống, mới có thể cảm ngộ ra rằng nhân sinh bất quá chỉ là quán trọ mà thôi. Cũng chỉ có vậy thì con người mới luôn vô ý hay hữu ý mà không ngừng tự hỏi trong suốt cuộc đời: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”.
Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, có buông bỏ thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng Trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể buông bỏ và vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất.

Học cách biến nỗi đau thành cơ hội nâng hạng bản thân bạn

Nói về sự cân bằng giữa thể xác và tinh thần, thói quen nào gây ra thiệt hại lớn nhất cho vận mệnh, thì một là luôn luôn than phiền, hai là hay tức giận.
Bài viết của Tiến sĩ Lạc Tang Gia Tham, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Cuốn sách “Y học hạnh phúc: Y học dự phòng về cơ thể, tâm trí và trí tuệ của người Tây Tạng” do Thời báo Đài Loan xuất bản, được viết bởi Tiến sĩ Lạc Tang Gia Tham, đề cập rằng than phiền tương đương với việc liên tục khắc sâu thêm ấn tượng của nạn nhân, thêm một lần nhắc là thêm một lần tổn thương. Than phiền trở thành một thói quen, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn mà thậm chí máu cũng trở nên bị vẩn đục. Than phiền có nhiều hình thức khác nhau, trong đó có một số hình thức là không dễ phát hiện.
Ví dụ, “Cứ mưa mãi thế này thì người cũng nổi mốc lên mất thôi!” Người nói câu này tưởng rằng mình chỉ đang nêu một sự việc, nhưng thực ra nó còn chứa đựng yếu tố than phiền. Cũng là mùa mưa nhưng một người khác có thể nói: “Mình mua được chiếc ô này tốt quá, tán ô to mà vẫn nhẹ, còn che được cho cả 2 người.” Một khi bạn đi từ oán trách trời đất sang cảm tạ trời đất, tư tưởng bạn thay đổi, hoàn cảnh cũng thay đổi theo, mọi thứ bạn nhìn thấy đều đẹp đẽ, đây chính là thế giới thực được nhìn qua con mắt của trí tuệ.
Tác giả cuốn sách cũng chia sẻ một trong những câu chuyện của ông. Ông được một người bạn dạy cho tiếng Đài Loan, chữ “sư” trong từ “sư tử” và từ “tây” trong từ “đông tây”, trong tiếng Đài Loan có âm gần giống nhau. Ông liên tưởng rằng Tây Tạng ở phía tây, ông thích những câu chuyện về Thần thú, mà Thần thú do Bồ Tát Văn Thù cưỡi lại cũng là sư tử, liên kết hai điều này lại, hình ảnh hóa những điều vừa học, vừa thú vị vừa dễ nhớ. Ông cũng lại học được hai câu: Người vui vẻ, bước ra cửa dắt theo 3 con sư tử (đọc đồng nghĩa với chữ “tây”) tên là: nhìn đông nhìn tây, ăn đông ăn tây, mua đông mua tây; người không vui vẻ, bước ra cửa dắt theo 3 con sư tử tên là: ghét đông gét tây, oán đông oán tây, mắng đông mắng tây. Ông nói rằng người có tâm trạng vui vẻ, hài hước, đi đến đâu cũng thấy mọi thứ thú vị.
Ông cũng kể một câu chuyện khác, khi gặp bão tố trên một hòn đảo xa xôi, máy bay không chịu cất cánh, phà không mở, không thể làm gì khác hơn là phải ở lại. Tuy nhiên, ông lại điều bất lợi không thể thay đổi thành niềm vui khác, trong lòng thầm cảm thấy may mắn khi có được thêm hai ngày nghỉ phép.
Càng ít than phiền hơn, sức mạnh nâng hạng bản thân càng lớn hơn
Rắc rối và đau đớn không phải để hành hạ con người, mà chính là hồi chuông nhắc nhở chuẩn bị nâng cấp bản thân, do đó đừng nên lãng phí thời gian một cách vô ích. (Ảnh: Maroke/ Shutterstock)
Tiến sĩ Lạc Tang chỉ ra rằng những người dành thời gian cho việc chán ghét, phàn nàn, thực sự bị thua thiệt. Không dễ dàng để có mặt trên địa cầu này, tuổi thọ cuộc đời này là có hạn, thời gian dành để trải nghiệm, hạnh phúc và học tập tu hành mới là không uổng phí. Những muộn phiền, lớn nhỏ trong cuộc sống thường khiến người ta không nhẫn nổi, cũng phải đẩy ra vài tiếng thở dài. Mà trên thực tế, có thể còn hơn cả vài tiếng thở dài. Theo thống kê của các học giả, những người chưa bao giờ thực hành thiền định và thanh lọc tâm hồn của họ phàn nàn khoảng 15 đến 30 lần một ngày, con số này hẳn không phải ít.
Học y tế dự phòng, sự tự giác nhận thức là rất quan trọng. Bệnh tật chẳng qua là vô thường, trong vô ý mà dẫn đến ốm đau thì thật đáng tiếc. Nếu bạn muốn tránh tình trạng này, bạn có thể bắt đầu luyện tập bằng cách giảm bớt tiếng thở dài, tự nhắc nhở mình: “Ôi, mình lại thở dài rồi”, “Ôi, mình lại mắng người rồi.” Trước tiên, hãy nhận thức điều đó, sau đó sửa chữa lại hành vi của mình, thực hành điều này mỗi ngày.
Với việc thực hành nhận thức, bạn có thể nhanh chóng phát hiện ra nếu có một tình trạng nhỏ trong cơ thể mình, bạn có thể giải quyết nó nhanh chóng, hay khi tâm trí bạn bị mây đen bao phủ, trước khi cơn giận của bạn sắp vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn có thể bình tĩnh trong 6 giây để kiểm soát tình hình. Tất cả đều là tác dụng của nhận thức. Nếu không muốn bị điều khiển, hãy lấy lại quyền làm chủ cuộc sống của chính mình.
Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra rằng cái gọi là rắc rối và đau đớn không phải để hành hạ con người, mà chính là hồi chuông nhắc nhở nên trau dồi và chuẩn bị nâng cấp bản thân, do đó đừng nên lãng phí thời gian một cách vô ích. Ví như nói có sỏi ở thận, niệu quản thì cần đến bệnh viện, nhờ bác sĩ giúp bóp vụn và tống ra ngoài, cũng thật khó chịu. Còn nếu có một viên sỏi lớn trong tim bạn mà không thể đặt xuống, bác sĩ cũng không thể tán loại sỏi này, mà bạn phải là người tự mình tìm hiểu, tự giải quyết lấy. Tương tự như vậy, nhận thức về bản thân là bước đầu tiên.
Có hai loại sư tử, một loại hay gầm gừ, một loại dũng cảm và nỗ lực
Nếu bạn nhận ra rằng cuộc sống của bạn dường như có một chút cay đắng, xin chúc mừng, bạn đã nhận được một “vé nâng hạng” bản thân. Nhưng để thực sự tiến lên một cấp độ, bước tiếp theo chính là luyện tập. Hãy sử dụng những tình huống khiến bạn cảm thấy đau đớn để luyện tập, học cách tận hưởng trong nỗi đau, thưởng thức nỗi đau, chuyển hóa nỗi đau, trải nghiệm nỗi đau và cảm nhận hạnh phúc, đồng thời nghĩ rằng mọi người đều không thích đau đớn giống như bạn, vì vậy đừng nên áp đặt nỗi đau này lên cho người khác.
Nếu bạn vẫn có thể cười, hài hước và chống đỡ ngay cả trong một tình huống rất, rất tệ, điều đó có nghĩa là bạn đã luyện tập tốt. Tìm kiếm hạnh phúc trong đau khổ và hạnh phúc nảy sinh từ đau khổ là một kiểu hạnh phúc ở cấp độ cao, một kiểu hạnh phúc có nhiều sự đồng cảm. Nó rất khác với thú vui đơn thuần thỏa mãn khao khát của con người. Tiến sĩ Lạc Tang nói thêm, hãy cố gắng thuần hóa con sư tử nơi nội tâm, và “nâng cấp” nó từ một con sư tử phàn nàn và bất mãn thành một con sư tử có trí khôn và lòng biết ơn như Thần thú sư tử của Bồ Tát Văn Thù. Sau khi lên cấp, bạn sẽ thấy rằng chuyến đi tới Trái đất này thực sự rất thú vị. Từ nay chỉ có lúc vui, không có lúc để than thở.
Ngung Tâm/ Vision Times

Vài câu triết lý nhân sinh khiến bạn thay đổi cách nhìn cuộc sống

Người ta ví đời người giống như một vở kịch. Trong vở kịch ấy, mỗi người không thể tự mình lựa chọn vai diễn cho bản thân mình, chỉ có thể lựa chọn thay đổi những buồn vui trong lòng mình. Có đôi khi, nhìn vào những cảm ngộ của người khác, chúng ta có thể cảm thụ được chúng, ít nhất cũng làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của chúng ta.
Dưới đây là vài câu triết lý nhân sinh khiến ta hiểu rằng, kỳ thực, để có được một cuộc sống hạnh phúc và bình thản không phải là một việc quá khó.
1. Khi bạn thù hận, oán giận người khác thì người bị hận rất nhiều lúc không hề đau đớn. Chỉ có chính bản thân bạn mới là người tổn thương, thống khổ, thương tích đầy mình. Cho nên sống trên đời cần nhớ kỹ tuyệt đối không nên hận thù người khác.
2. Khi một người có đủ lòng bao dung để bao dung hết thảy những chuyện không vui trong cuộc đời thì người ấy đã đứng ở cảnh giới tinh thần cao thâm, cao thượng rồi.
3. Mỗi người cần tận sức làm một người hữu dụng, không cần tận sức làm một người vĩ đại. Con người còn sống ngày nào chính là phúc khí, phải biết trân quý.
4. Một người lớn lên tốt đẹp như vậy, xuất sắc như vậy nhưng tự bản thân lại không để ý thì chính là khí chất, phong độ. Một người tốt đẹp như vậy, có tài hoa như vậy nhưng người khác lại không biết thì chính là tu dưỡng.
5. Nóng giận mà để phát ra thì là bản năng. Nóng giận mà ước chế được lại thì là bản sự.
6. Làm đi làm lại một việc nào đó thì rồi sẽ được gọi là chuyên gia, nhưng dụng tâm làm một việc trùng lặp thì lại là chuyên nghiệp.
7. Tiền cũng giống như nước, không có chút nào thì sẽ khát mà chết nhưng nhiều quá thì có thể khiến người ta bị chết đuối.
8. Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng. Nói chuyện phải nói cẩn thận, quản tốt cái miệng của mình thì thậm chí có thể hóa thù thành bạn.
9. Thà làm người luôn tha thứ cho người khác còn hơn làm người luôn để người khác phải tha thứ cho mình.
10. Biển có thể dung nạp trăm sông mới trở nên rộng rãi, cảm ơn bạn bè vì giúp đỡ ta, cho ta sự ấm áp, cảm ơn người thù ghét ta bởi họ cho ta sự kiên cường. Coi trọng, hiểu người khác nhiều hơn một chút, luôn mang trong mình lòng cảm kích.
Thái độ sống của một người như thế nào sẽ khiến họ nhìn cuộc đời như thế ấy. Những câu châm ngôn về cuộc đời này có thể phần nào giúp chúng ta hướng đến một con đường đời tốt hơn, sống được thông thuận và suôn sẻ hơn.
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.

18 triết lý nhân sinh của cuộc đời: Không đọc sẽ không ngộ ra cách làm người tử tế dễ thế nào

“Trên đường đời, chúng ta hiểu được buông bỏ, bước chân chúng ta nặng trĩu là vì phong cảnh đẹp hơn. Chúng ta vứt bỏ cám dỗ, chúng ta chọn lựa cầu vồng phía trước và ánh nắng sau cơn bão tuyết.”

1. Truy cầu hưởng lạc là thiên tính của con người, nhưng trải qua gian khổ cũng là điều tất yếu của đời người. Đời người có thể càng đau khổ thì càng hiểu được sự truy cầu vui vẻ.

2. Vị trí cuộc đời thích hợp lại không phải tiến gần tiền bạc, cũng không phải tiến gần quyền lợi, mà là gần gũi linh hồn. Hạnh phúc chân chính không phải giàu có, cũng không phải mọi chuyện đều đúng, mà là không hổ thẹn với lòng.

3. Một đời người là một lộ trình dài đầy gió tuyết, chúng ta chỉ truy cầu một thứ thành công, chính là dùng phương thức yêu thích trải qua hết cuộc sống này.

4. Đời người thì làm gì có chuyện mọi việc đều như ý. Cuộc sống cũng đâu thể nào hài lòng hết thảy. Vì vậy, đừng so đo với người khác, bởi vì không đáng; đừng quá nghiêm khắc với bản thân, bởi vì sẽ tự tổn thương mình; cũng đừng tính toán chuyện cũ.

5. Chuyện đáng sợ nhất đời người là vừa sống vừa hối hận, vì không tạo ra được bất cứ sự thay đổi nào.

6. Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không thể xuống nước; cá thích ăn giun nhưng cá lại không thể lên bờ. Đời người chính là vừa có được, vừa mất đi; vừa chọn lựa, vừa bỏ cuộc.

7. Lòng người vốn lương thiện, chỉ cần lòng có thể thanh tĩnh thì có thể phân biệt tốt xấu đúng sai, có thể biết được những điều không nên làm và nên làm.

8. Trên đường đời, chúng ta hiểu được buông bỏ, bước chân chúng ta nặng trĩu là vì phong cảnh đẹp hơn. Chúng ta vứt bỏ cám dỗ, chúng ta chọn lựa cầu vồng phía trước và ánh nắng sau cơn bão tuyết.

9. Chiến tranh kéo dài nhất của đời người chính là cuộc chiến tranh của bản thân với bản thân.

10. Đời người có một thói quen không tốt chính là thích so sánh với người khác, xem ai tốt hơn mình, lại có ai không bằng mình. Mà thực ra, sự phiền muộn và căn nguyên đau buồn của bạn trước nay đều không phải đau khổ và bất hạnh của người khác, mà là thái độ của bản thân bạn.

11. Đời người có tổn thương, có đau đớn, có ngọt thì càng có đắng.

12. Đời người không phải sống được dài hay ngắn, mỗi lần luân hồi của sinh mệnh đều là một quá trình hoa nở hoa tàn nên mỗi người đều phải phấn đấu nỗ lực mới thu được thành công

13. Đường đời, chúng ta luôn đi giữa thành công và thất bại.

14. Đời người chính là một đoạn hành trình mà chúng ta đi trong đó, mang theo gió bụi bốn mùa, phong cảnh chưa biết và chúng ta đang tu hành khổ nhọc trên đường đời.

15. Người sống trên đời sống thế nào cũng phải sống cho đẹp.

16. Điều quan trọng đầu tiên người sống trên đời chính là làm người tốt; hiểu được tự ái, tự tôn; để bản thân có một tâm hồn trong sáng lại phong phú; đủ để thừa nhận đả kích của vận mệnh, cũng xứng được sự ban thưởng của vận mệnh. Nếu có thể như vậy, cũng có thể xem là đã làm chủ nhân của vận mệnh.

17. Cầu mà không được, buông bỏ cũng không thành, được rồi thì lại không biết trân trọng, đây chính là bi thương lớn nhất của đời người.

18. Đời người luôn sẽ trải qua sự thay đổi từng đợt một. Sinh mệnh nói với ta rằng ta sinh ra vốn đã cô đơn, mà linh hồn lại nói với ta rằng ta sinh ra vốn đã tự do. Cuộc sống chỉ là để chúng ta nếm trải mọi mùi vị.