Sư thầy phục chế hàng trăm xe lăn cho người khuyết tật

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn

06/05/2022 13:52 GMT+7

TTO – Trong những lần đi làm từ thiện được tiếp xúc với người khuyết tật, bệnh nhân được chia sẻ về những khó khăn, sư thầy Thích Đức Minh (Q.12, TP.HCM) tìm tòi và suy nghĩ ra việc sử dụng chiếc xe lăn cũ tái chế cho phù hợp tặng họ.

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 1.

Sư thầy Thích Đức Minh cùng các chú tiểu bên những chiếc xe đã được sửa chữa xong

Bắt đầu làm từ năm 2015, ban đầu sư thầy Thích Đức Minh tìm mua xe lăn cũ về tự mày mò, lắp ráp tái chế. Những chiếc xe lăn đa phần được tận dụng hết tất cả các bộ phận để sử dụng lại. Những chiếc xe lăn tái chế có thể tháo được tay, tháo được chân, ngả lưng hoặc có chỗ để đi vệ sinh phù hợp với thể trạng từng ngươi. Ngoài ra, xe lăn mà người dùng luôn nhẹ nhàng dễ dàng di chuyển lên xuống, qua lại.

Do không chuyên về việc sửa chữa nên thời gian ban đầu sư thầy tốn khá nhiều thời gian, từ công đoạn tháo ra, lắp vào cũng phải suy nghĩ làm sao cho đúng. Có những chiếc sửa đi, sửa lại mất đến mấy ngày nên phải kiên nhẫn và chịu khó mới làm được.

Sư thầy Thích Đức Minh chia sẻ: “Thầy làm công việc này tới nay cũng đã được 7 năm, số lượng xe lăn cho mỗi năm tầm 500 – 700 chiếc. Đa phần cho những bệnh nhân, người khuyết tật khắp các tỉnh, các vùng miền, từ Nam ra Bắc. Nguồn xe lăn thầy Minh tự tìm mua, đặt mua ở những tiệm ve chai, phật tử đóng góp. Tất cả các xe lăn cũ qua sử dụng nên phần lớn bị hư hỏng phải tháo ráp, thay thế mới từ bộ phận này sang bộ phận kia”. 

Sư thầy Thích Đức Minh bộc bạch: “Khi nhìn thấy sự khó khăn của người khuyết tật không tự đi lại bằng đôi chân của mình, nên lúc mình làm một chiếc xe lăn cũng có nhiều trăn trở trong lòng. Mong muốn các bạn cũng giống như bao nhiêu người, có thể tự di chuyển dễ dàng tùy ý. Khi các bệnh nhân, người khuyết tật nhận được món quà nhỏ họ rất vui cũng là động lực trong lòng để làm công việc này”.

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 2.

Sư thầy Thích Đức Minh gắn bó với công việc tái chế xe lăn cũng đã được 7 năm

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 3.

Niềm vui bên những chiếc xe lăn vừa được sửa chữa

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 4.

Những phụ tùng xe lăn giữ lại để khi nào cần thì dùng

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 5.

Tình thương với người khó khăn luôn là động lực để thầy Đức Minh cố gắng cho công việc này

Tái chế xe lăn cho bệnh nhân và người khuyết tật khó khăn - Ảnh 6.

Sư thầy Thích Đức Minh gói thật kỹ xe đã được tái chế xong để đem gửi đến người khó khăn cần dùng

Sư thầy tái chế xe lăn tặng người khuyết tật

(DNTO) – 7 năm qua, sư thầy Đức Minh miệt mài tái chế, thiết kế những chiếc xe lăn phù hợp khiếm khuyết của người khuyết tật.

Theo sư thầy Đức Minh, mỗi người khuyết tật mang một khiếm khuyết khác nhau, có người có bị khuyết tật ở tay, có người lại bị ở chân, ở đùi, có người bị liệt cả người,… và tuỳ tình trạng mỗi người lại có một kiểu xe phù hợp, đó là lý do những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ ra đời.

Đạo tràng An Viên được nhiều người ví von là “ngôi xưởng” nghĩa tình của những người kém may mắn về ngoại hình. Đây là nơi ra đời hàng ngàn chiếc xe lăn suốt nhiều năm qua, ngoài những tiếng mõ, tiếng chuông, mỗi ngày người dân xung quanh còn nghe tiếng máy ngoan, tiếng búa khi sư thầy tái chế những chiếc xe lăn cho người khuyết tật.

“Nghề tay trái” của sư thầy Đức Minh là tái chế xe lăn cho người khuyết tật. Ảnh: Vĩnh Hy.

Mỗi ngày, từ 14g, sư thầy Đức Minh bắt đầu mang những chiếc xe được xếp trong góc lau chùi cẩn thận, sau đó sửa chữa tay cầm, thay mới vỏ xe, thiết kế những điểm khác nhau trên xe để phù hợp cho những khuyết điểm của những người khuyết tật. Những chiếc xe được bọc gói cẩn thận nhờ sự giúp đỡ của phật tử, gửi đến những người cần và liên hệ trước.

Chia sẻ về “nghề tay trái” của mình, sư thầy Đức Minh cho biết do cơ duyên. Vào năm 2015, một lần có dịp ghé thăm các bệnh viện, nhận thấy có nhiều bệnh nhân bị lở loét và đang điều trị phục hồi chức năng.

Các bệnh nhân ở đó phải mượn xe lăn của bệnh viện để di chuyển, sau khi về nhà chỉ có thể nằm yên một chỗ vì không có xe nên thầy đã nghĩ tới việc tặng những chiếc xe lăn cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Niềm vui của thầy là giúp đỡ được nhiều người khuyết tật có phương tiện đi lại. Ảnh: Vĩnh Hy.

Niềm vui của thầy là giúp đỡ được nhiều người khuyết tật có phương tiện đi lại. Ảnh: Vĩnh Hy.

Sư thầy Đức Minh chia sẻ: “Đối với thầy, chiếc xe lăn như đôi chân của người khuyết tật, giúp họ có thể hoà nhập, di chuyển và bước ra ngoài xã hội. Những người khuyết tật cũng mơ ước được đứng lên, đi đây đi đó như bao người chứ không phải nằm yên một chỗ vì vậy thầy quyết định lựa chọn làm việc này”.

Khó khăn nhất với sư thầy là việc tìm mua những chiếc xe lăn cũ để tái chế, tân trang cho chỉn chu nhất.

Hàng ngàn chiếc xe lăn được ra đời tại Đạo tràng An Viên. Ảnh: Vĩnh Hy.

Hàng ngàn chiếc xe lăn được ra đời tại Đạo tràng An Viên. Ảnh: Vĩnh Hy.

Để cho ra đời chiếc xe lăn tái chế đầu tiên, sư thầy đã phải mày mò, tìm hiểu về cấu trúc, phụ tùng lắp ráp, có những hôm phải lặn lội hàng chục cây số để săn lùng khắp các bãi phế liệu, chợ đồ cũ,… để tìm mua một chiếc xe còn sử dụng tốt.

Trong quá trình thực hiện, sư thầy tìm hiểu về tình trạng của từng người nhận và tuỳ tình trạng mỗi người lại có một kiểu xe phù hợp để tiện di chuyển và hoạt động. Đó là lý do những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ ra đời.

Sư thầy Đức Minh cùng phật tử thực hiện các công đoạn thay lắp phụ tùng xe. Ảnh: Vĩnh Hy.

Sư thầy Đức Minh cùng phật tử thực hiện các công đoạn thay lắp phụ tùng xe. Ảnh: Vĩnh Hy.

“Khi xin xe thì họ sẽ gửi thông tin về tình trạng của bản thân kèm hình đến cho thầy, giống như người này, ông ấy bị viêm đa khớp, 2 chân bị liệt nên chỉ có thể đi bằng đầu gối và cần một chiếc xe lăn ngắn tiện di chuyển, khi gửi thông tin họ có thể nhờ địa phương, UBND phường, xã đóng dấu mộc xác nhận giúp.

Đa phần bệnh nhân đều cần một chiếc xe thích hợp với họ nên thầy cần hình để xem xét tình trạng, như ông này chỉ đứng 1 chân, hoặc chị này đã bị liệt cả người thì xe lăn phải là loại xe nằm, tay của chị cũng bị cong lại nên không thể tự di chuyển bánh xe lăn mà cần người đẩy hộ”, sư thầy cho biết thêm.

Thời gian để hoàn thành một chiếc xe lăn từ 5 đến 7 ngày, sau đó xe được đóng gói cẩn thận và gửi qua đường bưu cục đến tận tay người nhận. Khi xe có tình trạng hư hỏng sẽ được thầy sửa và gửi lại một chiếc khác. Toàn bộ kinh phí lắp ráp và gửi tặng hoàn toàn miễn phí.

Sư thầy Đức Minh tâm sự: “Khi thấy những người khuyết tật đi trên xe lăn mình tặng, thầy thấy giống như họ đang đi giúp thầy vậy. Việc tặng xe lăn giống như cho họ cơ hội được hoà nhập, phát triển, giúp họ thoả mãn ước mơ. Đa phần họ xin xe lăn để về bán vé số, mỗi ngày lời 50, 100 ngàn đồng, có thể thầy sẽ cho được 50, 100 ngàn đó, nhưng việc các bạn kiếm được đồng tiền bằng chính sức mình sẽ chân chính hơn, mình rất quý trọng điều đó, họ bị khuyết tật thân thể nhưng tâm hồn thì không. Đó là lý do thầy vẫn luôn nghĩ việc thầy đang làm là giúp đỡ rất thiết thực cho các bạn”.

Đạo và đời là tôn chỉ gắn kết của sư thầy. Ảnh: Vĩnh Hy.

Đạo và đời là tôn chỉ gắn kết của sư thầy. Ảnh: Vĩnh Hy.

Ngoài việc tặng xe lăn miễn phí, sư thầy Đức Minh còn hỗ trợ thêm cả chi phí điều trị bệnh và giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân tại đạo tràng cho đến khi bình phục.

Với sư thầy Đức Minh, niềm vui không đến từ việc thầy đã giúp đỡ bao nhiêu người mà đến từ việc được nhìn thấy những người khuyết tật mình giúp đỡ sống tốt lên từng ngày, có thể di chuyển và mưu sinh trên những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ thầy gửi tặng.

Vĩnh Hy

– 14:42, 25/04/2022

Bên trong ngôi chùa nhỏ, vị sư tái chế ngàn xe lăn tặng người cần

Thợ không nhận sửa, người được thuê cũng ‘bỏ chạy’, 7 năm qua, thầy Thích Đức Minh một mình mày mò, tái chế những chiếc xe lăn cũ rồi đem tặng người khuyết tật ở khắp mọi miền đất nước.

Không chỉ là đem cho…

Trưa một ngày tháng Năm ở vùng ngoại ô TP.HCM vắng ngắt. Tiếng động cơ chiếc máy vặn ốc vít cầm tay, tiếng búa gõ vào kim loại… phát ra từ đạo tràng An Viên (quận 12, TP.HCM) như ồn ã hơn gấp bội.

Những thanh âm ấy đến từ công việc sửa chữa, tái chế xe lăn cũ của sư Thích Đức Minh. Bảy năm qua, thầy vẫn lặng lẽ làm công việc mua, tái chế xe lăn cũ rồi đem tặng cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo.

Công việc thiện nguyện này đến với thầy Đức Minh từ năm 2015. Khởi đầu, thầy chỉ xin, mua lại xe lăn cũ rồi đem tặng cho người già, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật.

Đạo tràng An Viên thanh tịnh, ẩn hiện dưới những tán cây xanh mát.

Tuy nhiên sau đó, thầy cảm thấy không hài lòng với cách làm này của mình. Bởi, với cách cho, tặng như trên, thầy không biết “người nhận có sử dụng xe được hay không, chiếc xe có phù hợp với chủ mới hay không”.

Sau này, thầy dành nhiều thời gian tiếp xúc, tổ chức những buổi nói chuyện với người khuyết tật trên mọi miền đất nước. Tại đây, thầy lắng nghe, hiểu được một chiếc xe lăn phù hợp rất cần thiết đối với người khuyết tật.

Tuy nhiên, không thể tặng chung một loại xe lăn nhất định cho những người này. Bởi, mỗi người khuyết tật có một cơ địa, hoàn cảnh riêng. Do đó, họ cần những chiếc xe lăn riêng, phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Bên trong, khuôn viên đạo tràng như được lấp đầy bởi những chiếc xe lăn cũ, hỏng.

Sư Minh Đức chia sẻ: “Làm từ thiện không chỉ là đem cho mà phải biết cái mình cho đi có giúp ích, phù hợp với người nhận hay không. Tặng xe lăn cũng vậy”.

“Tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người khuyết tật về chiếc xe lăn mơ ước của mình. Sau đó, tôi cố gắng sửa chữa, tái chế những chiếc xe lăn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng đó rồi đem tặng họ”.

Những chiếc xe được trao đi, thầy Minh Đức nhận về niềm vui, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của người được nhận. Nhờ chiếc xe lăn phù hợp, họ không chỉ có thể tự tắm gội, di chuyển mà còn có thể tự mưu sinh.

Đây là nơi thầy Thích Đức Minh sửa chữa, tái chế xe lăn cũ để tặng người khuyết tật.

Nhận thấy việc làm của mình đi đúng hướng, thầy tiếp tục bỏ tiền túi tìm mua xe lăn cũ từ các bãi phế liệu, tiệm kinh doanh đồ cũ, thậm chí từ nước ngoài. Một số khác, thầy được mạnh thường quân hỗ trợ.

Thế là khuôn viên đạo tràng nhỏ bé, khuất sau bờ kênh rợp bóng cây bồ đề, lộc vừng bị lấp đầy bởi những chiếc xe lăn cũ, hỏng. Cũng từ đây, thầy Đức Minh bắt đầu công việc tái chế xe lăn.

Bảy năm kiên trì

Do không chuyên về việc sửa chữa, những ngày đầu tái chế xe lăn, thầy Đức Minh gặp vô vàn trở ngại. Việc nhiều người tin rằng sửa, để xe lăn cũ trong nhà, cửa tiệm sẽ gặp xui xẻo lại càng khiến thầy gặp nhiều khó khăn hơn.

Thầy đã một mình làm công việc này suốt 7 năm qua.

Trước đây, mỗi khi mua hoặc xin được xe lăn cũ mà chưa thể đem về đạo tràng, thầy Đức Minh thường tìm cách gửi nhờ ở nhà, cửa tiệm người quen. Thế nhưng gần như không ai đồng ý vì “sợ gặp xui xẻo”.

Khi đem xe lăn cũ đến các tiệm sửa xe để sửa chữa, thay thế phụ tùng hỏng hóc…, chủ tiệm cũng không nhận. Họ nói rằng sửa xe lăn sẽ gặp vận xui vì đó là xe của người gặp tai nạn, bạo bệnh, người đã chết…

Không thể đem xe đến tiệm sửa chữa, thầy thuê người đến đạo tràng làm việc tái chế xe lăn với tiền công 400.000 đồng/ngày. Tuy vậy, những người này “chỉ làm được vài ngày rồi bỏ chạy” vì công việc quá tốn chất xám, thời gian, sợ gặp xui.

Tất cả xe lăn ở đây đều đã cũ và qua sử dụng nên hư hỏng cần được sửa chữa, thay thế nhiều phụ tùng.

Thầy Đức Minh chia sẻ: “Tất cả các xe lăn đã qua sử dụng nên phần lớn bị hư hỏng phải tháo lắp, thay thế mới từ bộ phận này sang bộ phận kia. Có những chiếc sửa đi, sửa lại, tìm kiếm phụ tùng thay thế đến mấy ngày mới được”.

“Đặc biệt, khi sửa, tái chế, cần phải làm sao cho phù hợp với nhu cầu của người được nhận. Do đó, công việc này cũng cần nhiều thời gian, công sức. Những ai không đủ lòng kiên nhẫn sẽ không làm được. Vì thế, suốt 7 năm qua, tôi đành lặng lẽ làm một mình”, thầy cho biết thêm.

Mỗi ngày, thầy dành hết thời gian nhàn rỗi của mình vào việc tái chế xe lăn. Nếu ban ngày không đủ thời gian, thầy tiếp tục chong đèn, thức đêm để sửa.

Mỗi ngày, thầy đều dành hết thời gian rỗi của mình vào việc tái chế xe lăn.

Suốt nhiều năm qua, mỗi tháng, thầy gửi tặng cho người khuyết tật từ 20-30 chiếc xe lăn đã tái chế hoàn thiện. Việc này khiến thầy Đức Minh được người khuyết tật đặt cho biệt danh là “ông thầy tặng xe lăn”.

Đến nay, những người khuyết tật cần xe lăn sẽ tự động liên hệ với thầy Đức Minh bằng cách gọi điện thoại, gửi thư điện tử. Trong thư, người muốn được nhận xe nói rõ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại.

Ngoài ra, người nhận còn phải viết một đoạn ghi chú nhỏ miêu tả tình trạng của mình như: khuyết tật như thế nào, cần chiếc xe lăn ra sao, xin xe để sử dụng vào mục đích sinh hoạt hay mưu sinh…

Sau khi hoàn thiện chiếc xe, thầy gấp gọn, bọc nilon rồi nhờ bưu điện gửi đến tận nhà cho người cần.

Tùy vào những ghi chú này, thầy Đức Minh sẽ tìm chiếc xe lăn cũ phù hợp, sẵn có trong đạo tràng. Sau đó, thầy tỉ mẩn ngồi sửa chữa, hoàn thiện chiếc xe sao cho thích hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người cần.

Sau khi xe hoàn thiện, thầy gấp gọn, bọc nilon cho sạch sẽ rồi nhờ bưu điện gửi đến tận nhà cho người cần. “Vì người khuyết tật đi lại rất khó khăn nên tôi không để các bạn ấy đến một địa điểm cụ thể nào nhận xe. Tôi sẽ nhờ bưu điện gửi xe đến tận nhà cho các bạn”, thầy Đức Minh cho biết thêm.

Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn

Báo VietnamNet

Gốc

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn “đôi chân” cho người khuyết tật

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn “đôi chân” cho người khuyết tật

(Dân trí) – Sư thầy Thích Đức Minh đi xin và hỏi mua từng chiếc xe lăn cũ ở vựa ve chai đem về sửa lại, mỗi năm tặng cho người khuyết tật khắp cả nước gần 700 chiếc.

Buổi chiều, khuôn viên vắng vẻ của Đạo tràng An Viên, Quận 12, TPHCM trở nên rộn ràng hơn khi thầy Đức Minh bày ra sân hàng chục chiếc xe lăn cũ để sửa chữa. Thầy lấy ra một chiếc, xem xét mức độ hư hỏng, thiếu những bộ phận nào rồi vào kho lục tìm. “Kho” của sư thầy là góc mái hiên với hàng trăm món đồ, phụ tùng cũ được để dành lại, đủ đồ để có thể ráp lại thành chiếc xe lăn hoàn thiện.

Những chú tiểu sống cùng thầy ở Đạo tràng cũng phụ giúp, người chạy lấy tua-vít, người phụ bơm bánh, người chà rửa xe lăn. Sau khi chế xong xe mới, sư thầy đóng gói, gửi bưu điện giao đến tận nhà cho người khuyết tật khó khăn ở khắp cả nước. Công việc đã được duy trì gần chục năm nay.

“Mỗi năm, tôi tặng từ 500 -700 chiếc xe lăn cũ, giúp người khuyết tật có phương tiện để tự mình ra ngoài, đôi khi chỉ là để ra sân, ra cổng ngồi, được thấy bầu trời, tắm nắng hay nhìn xe cộ cũng là điều khiến những người thiệt thòi như vậy thấy vui”, nhà sư 42 tuổi, chia sẻ.

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 1
Thầy Đức Minh lấy xe lăn cũ mua được từ vựa ve chai hoặc hàng cũ từ Nhật Bản về để sửa chữa (Ảnh: Diệp Phan).

Người hồi sinh cả trăm xe lăn cũ

Sư thầy Đức Minh quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu, sống tại chùa từ năm 9 tuổi. Quá trình đi học, người học trò áo nâu ấy đã nỗ lực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong lần đến thăm những hoàn cảnh ở Trung tâm Phục hồi chức năng, bệnh viện chấn thương chỉnh hình, nhà sư thấy nhiều người lao động nghèo bị tai nạn trở thành khuyết tật mà không có tiền mua nổi chiếc xe lăn.

Thấy thế, thầy vận động nhà hảo tâm mua xe lăn mới tặng bệnh nhân. Ban đầu, mỗi đợt tặng xe chỉ dăm ba chiếc nhưng sau đó, ngày càng có nhiều người biết đến hoạt động này, sư thầy chẳng còn tiền mua xe mới nữa. Từ năm 2015, thầy Đức Minh bắt đầu lân la hỏi xin xe cũ, tìm đến các bãi phế liệu để gom, mua lại xe đã bỏ với giá chừng 200 nghìn đồng/chiếc về tân trang.

Vốn không biết nghề sữa chữa, lại chẳng hiểu nguyên lý hoạt động của các bộ phận, sư thầy “đánh vật” với những chiếc xe lăn cũ hàng giờ. “Có lúc tháo ra xong không biết cách ráp lại. Đem ra tiệm sửa xe đạp thì người ta chê không làm, thiếu phụ tùng mà chẳng biết chỗ nào bán để mua”, nhà sư hồi tưởng.

Vậy nhưng sư thầy không bỏ cuộc, tiếp tục mua thêm xe cũ về. Sau khi xem xét từng chiếc, mày mò đủ cách, lấy “râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, thầy Đức Minh cũng chế được một chiếc xe lăn chạy tốt, chà rửa, vệ sinh sạch rồi đem đi tặng.

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 2
Sư thầy sửa xe lăn ở Đạo tràng An Viên, quận 12 hôm 19/4 (Ảnh: Diệp Phan).

Điều đặc biệt, thầy Đức Minh không nhất thiết sửa chữa, hồi sinh hàng loạt xe lăn với đầy đủ các bộ phận, chức năng như xe mới. Bởi trong quá trình tìm hiểu, thầy biết với mỗi dạng khuyết tật, người sử dụng sẽ cần một chiếc xe khác nhau.

Ví dụ, người bị tai nạn chấn tổn thương tủy sống, liệt hai chân thì cần xe có chỗ gác tay tháo lắp được để họ gỡ ra, chống hai tay nhích mông từ giường hoặc ghế ngồi sang và ngược lại. Người mất một chân thì chiếc xe không cần phải có đủ 2 bên gác chân. Có người sẽ cần chiếc xe có thể ngả lưng hay có sẵn bộ vệ sinh bên dưới…

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 3
Ngoài sự hỗ trợ của nhà hảo tâm về tiền bạc, mỗi chiếc xe được hồi sinh là tâm huyết, sự chung tay góp sức của sư thầy cùng các chú tiểu trong Đạo tràng (Ảnh: Diệp Phan).

Vì thế, trước khi “chế” xe để gửi tặng, thầy Đức Minh luôn hỏi chiều cao, cân nặng, tình trạng khuyết tật của người nhận để làm xe phù hợp. Sau gần 10 năm gắn bó với người khuyết tật, sư thầy tự nhận bản thân đã trở thành một “chuyên gia” chế xe, hiểu được từng người khuyết tật muốn một chiếc xe như thế nào.

Sư thầy đã cũng dò hỏi được những mối bán xe cũ ở Nhật, giá về đến Việt Nam khoảng 400 nghìn đồng/chiếc. Tùy mức độ hư hỏng mà cần tốn thêm phụ tùng, trung bình mỗi chiếc hoàn thiện có giá khoảng 700 nghìn đồng. Nếu mua mới thì phải mất hơn 2 triệu đồng cho một chiếc xe.

Hiện tại, mỗi tháng thầy Đức Minh hồi sinh từ 30 -100 chiếc xe cũ tặng cho người yếu thế khắp cả nước. Kinh phí để duy trì hoạt động này là từ việc vận động nhà hảo tâm, phật tử, tổ chức những buổi tiệc chay để gây quỹ…

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 4
Từ một người không biết gì về sửa chữa xe lăn, giờ đây sư thầy đã “lành nghề” (Ảnh: Diệp Phan).

“Ai có xe lăn cũ hãy cho tôi”

Anh Lê Văn Hóa, 46 tuổi, ở Quảng Bình đã được sư thầy tặng xe hơn 3 năm trước đến nay vẫn sử dụng tốt. Anh cho biết, xe của anh là hàng cũ từ Nhật, được thầy tân trang. Bị tai nạn rồi liệt từ phần ngực xuống chân hơn chục năm nay, mấy năm đầu, anh nằm liệt giường. Sau này được bạn bè cho xe cũ nhưng dùng nhanh hỏng, đến khi nhận được chiếc của thầy Đức Minh, anh Hóa mới có phương tiện tốt để di chuyển.

“Món quà của thầy là động lực lớn để tôi cố gắng làm việc, nhờ vậy mà việc di chuyển của tôi dễ dàng hơn để làm mô hình tăm chẻ bán online kiếm thêm thu nhập, để thấy mình còn có ích”, anh Hóa chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng xài xe lăn được bền như anh Hóa. Sư thầy cho biết, có những người được tặng xe ở vùng biển, đồ rất nhanh rỉ sét, mất thẩm mỹ. Có người sau một năm nhận xe đã hỏng, lý do là ở vùng núi, di chuyển nhiều, bánh xe cao su nát bét. Vì thế, ngoài việc xin xe lăn, nhiều người còn xin sư thầy tấm nệm, lốp, ruột hay tấm gác chân để thay thế. Những phụ tùng chưa dùng đến đều được thầy cất giữ cẩn thận để ai hỏi xin là có ngay.

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 5
Sư thầy có dịp đến Bố Trạch, Quảng Bình thăm anh Lê Văn Hóa năm 2020, một năm sau khi thầy tặng xe lăn (Ảnh: Văn Hóa).

Sau nhiều năm tiếp xúc, hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật, thầy Đức Minh nhận ra họ không chỉ cần một chiếc xe lăn là xong. Nhiều người bị liệt hai chân dẫn đến mất cảm giác, khi ngồi, nằm lâu sẽ lở loét, hoại tử phần thịt ở mông. Không đành lòng, sư thầy đón họ đến Đạo tràng, đưa đi bệnh viện để chữa trị.

Tuy nhiên, quãng đường từ quốc lộ vào đến Đạo tràng của thầy Đức Minh xe lớn không thể vào, nếu chuyển bệnh nhân bằng băng ca trên đoạn đường gồ ghề, vào đến nơi thì thường bị chảy máu. Chưa kể, khuôn viên Đạo tràng nhỏ, sinh hoạt của nhiều bệnh nhân ảnh hưởng đến việc tu tập của các môn đồ. Vì thế, 2 năm trước, sư thầy đã mượn được mảnh đất của một Phật tử, gom kinh phí dựng lên một phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền mang tên Sơn Đài Minh Viện ở huyện Bình Chánh, mời bác sĩ về điều trị miễn phí.

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 6
Anh Hồ Quang Thương (ngồi xe lăn thứ hai từ trái sang) cùng sư thầy và bạn bè bán hàng gây quỹ năm 2020 (Ảnh: Quang Thương).

Anh Hồ Quang Thương, 36 tuổi, làm nghề sửa điện thoại, quê Đắk Lắk, sau khi được sư thầy tặng xe lăn đã được thầy hỗ trợ chữa bệnh miễn phí nhiều lần, trong đó có lần phẫu thuật nới rộng bàng quang 5 năm trước. Sau đó, anh ở lại Đạo tràng hỗ trợ sư thầy trong việc lập danh sách tặng người nhận, đưa đón các chú tiểu đi học. Hiện tại, anh đang được sư thầy hỗ trợ chữa trị vết loét sau một năm trở về quê chăm cha bệnh.

“Đợt này tôi điều trị chắc phải mất hơn 2 tháng, chi phí ít nhất cũng tốn hơn 50 triệu đồng. Nếu không có thầy, chắc chắn tôi không có khả năng chữa trị. Vết loét để lâu ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm. Thầy luôn dặn bác sĩ chọn thuốc tốt nhất, chữa trị đến cùng, không bỏ cuộc”, anh Thương cho biết.

Sư thầy ở TPHCM hồi sinh cả nghìn đôi chân cho người khuyết tật - 7
6 chiếc xe lăn vừa được hồi sinh, đóng gói chuẩn bị gửi chuyển phát đến tay người cần (Ảnh: Diệp Phan).

Thầy Đức Minh tâm niệm, với một người tu sĩ, việc phụng sự cho xã hội, chúng sinh là điều phải làm và phải xem đó là trách nhiệm của mình. Với nhà sư, làm từ thiện là phải hiểu đối tượng mình giúp cần gì chứ không phải cứ cho tiền là xong. Đó là một quá trình quan tâm, thấu hiểu.

“Ước nguyện của tôi đơn giản lắm, tôi mong hễ ai có xe lăn cũ thì hãy cho tôi. Tặng xe là niềm vui nhưng cũng có lúc tôi buồn lòng vì món quà mình làm ra chưa được hoàn hảo, chắp vá, nhiều màu sắc, đôi lúc trông rất buồn cười. Vì thế, mong xã hội sẽ có nhiều người chung tay cùng tôi, quan tâm nhiều hơn đến người yếu thế”, thầy Đức Minh nói.

Diệp Phan

09/05/2022