“Đừng biến liệu pháp tinh thần thành mục đích”

Trong Phật giáo có từ “phương tiện” để chỉ cho những biện pháp giúp an tâm, giúp con người nương vào đó mà đi vào con đường sáng, vượt qua sông mê, biển khổ. Với Phật giáo Nam truyền, cũng có hình thức cầu an đầu năm hay vào những dịp lễ trọng, như rải nước an lành, tụng kinh chúc phúc cho phật tử.

Những hoạt động này là một liệu pháp tinh thần nhưng quan trọng hơn, mỗi độ tết đến xuân về, phật tử đi chùa sẽ được nghe chư tăng giảng pháp, giúp người nghe hiểu rõ đạo lý nhân quả để từ đó có thay đổi lối sống, suy nghĩ, chuyển hóa hành vi từ bất thiện thành tốt đẹp.

Khi hiểu biết rõ ràng rằng vận mệnh đời do chính bản thân gây tạo thì họ sẽ quay về chăm sóc chính mình, không trông chờ vào tha lực nào cả. Đó chính là lúc người đó dần hoàn thiện suy nghĩ, lời nói, việc làm sao cho thiện, cho lành. Được vậy mọi thứ tự nhiên an lành.

Nên nhớ, đến chùa là một phương tiện để trở về với chính mình, chiêm nghiệm đời sống đã qua để định hướng cho mình con đường sáng đẹp bằng sự nỗ lực. Hễ còn trông chờ vào tha lực quá nhiều thì còn dựa dẫm, còn mê muội, còn cầu cúng, van xin.

Và còn làm những việc đó như một mục đích của việc đến với chùa, hướng về Phật là còn khổ. Tất cả những phương tiện của Phật giáo đều có giá trị riêng, nhưng người thực hành phải hiểu.

Ví dụ, khi đốt một nén nhang cho Phật mà không hiểu rằng mình cần tu tập giới, định, tuệ, làm cho mình cũng tỏa hương thơm từ giới đức, từ cách sống cách nghĩ hằng ngày để dâng Phật mà cứ xông hương hình thức, càng đốt càng mê. Và đó chính là vấn đề người phật tử, có tín tâm với Phật cần suy nghĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.