Sư thầy tái chế xe lăn tặng người khuyết tật
Theo sư thầy Đức Minh, mỗi người khuyết tật mang một khiếm khuyết khác nhau, có người có bị khuyết tật ở tay, có người lại bị ở chân, ở đùi, có người bị liệt cả người,… và tuỳ tình trạng mỗi người lại có một kiểu xe phù hợp, đó là lý do những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ ra đời.
Đạo tràng An Viên được nhiều người ví von là “ngôi xưởng” nghĩa tình của những người kém may mắn về ngoại hình. Đây là nơi ra đời hàng ngàn chiếc xe lăn suốt nhiều năm qua, ngoài những tiếng mõ, tiếng chuông, mỗi ngày người dân xung quanh còn nghe tiếng máy ngoan, tiếng búa khi sư thầy tái chế những chiếc xe lăn cho người khuyết tật.
Mỗi ngày, từ 14g, sư thầy Đức Minh bắt đầu mang những chiếc xe được xếp trong góc lau chùi cẩn thận, sau đó sửa chữa tay cầm, thay mới vỏ xe, thiết kế những điểm khác nhau trên xe để phù hợp cho những khuyết điểm của những người khuyết tật. Những chiếc xe được bọc gói cẩn thận nhờ sự giúp đỡ của phật tử, gửi đến những người cần và liên hệ trước.
Chia sẻ về “nghề tay trái” của mình, sư thầy Đức Minh cho biết do cơ duyên. Vào năm 2015, một lần có dịp ghé thăm các bệnh viện, nhận thấy có nhiều bệnh nhân bị lở loét và đang điều trị phục hồi chức năng.
Các bệnh nhân ở đó phải mượn xe lăn của bệnh viện để di chuyển, sau khi về nhà chỉ có thể nằm yên một chỗ vì không có xe nên thầy đã nghĩ tới việc tặng những chiếc xe lăn cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Sư thầy Đức Minh chia sẻ: “Đối với thầy, chiếc xe lăn như đôi chân của người khuyết tật, giúp họ có thể hoà nhập, di chuyển và bước ra ngoài xã hội. Những người khuyết tật cũng mơ ước được đứng lên, đi đây đi đó như bao người chứ không phải nằm yên một chỗ vì vậy thầy quyết định lựa chọn làm việc này”.
Khó khăn nhất với sư thầy là việc tìm mua những chiếc xe lăn cũ để tái chế, tân trang cho chỉn chu nhất.
Để cho ra đời chiếc xe lăn tái chế đầu tiên, sư thầy đã phải mày mò, tìm hiểu về cấu trúc, phụ tùng lắp ráp, có những hôm phải lặn lội hàng chục cây số để săn lùng khắp các bãi phế liệu, chợ đồ cũ,… để tìm mua một chiếc xe còn sử dụng tốt.
Trong quá trình thực hiện, sư thầy tìm hiểu về tình trạng của từng người nhận và tuỳ tình trạng mỗi người lại có một kiểu xe phù hợp để tiện di chuyển và hoạt động. Đó là lý do những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ ra đời.
“Khi xin xe thì họ sẽ gửi thông tin về tình trạng của bản thân kèm hình đến cho thầy, giống như người này, ông ấy bị viêm đa khớp, 2 chân bị liệt nên chỉ có thể đi bằng đầu gối và cần một chiếc xe lăn ngắn tiện di chuyển, khi gửi thông tin họ có thể nhờ địa phương, UBND phường, xã đóng dấu mộc xác nhận giúp.
Đa phần bệnh nhân đều cần một chiếc xe thích hợp với họ nên thầy cần hình để xem xét tình trạng, như ông này chỉ đứng 1 chân, hoặc chị này đã bị liệt cả người thì xe lăn phải là loại xe nằm, tay của chị cũng bị cong lại nên không thể tự di chuyển bánh xe lăn mà cần người đẩy hộ”, sư thầy cho biết thêm.
Thời gian để hoàn thành một chiếc xe lăn từ 5 đến 7 ngày, sau đó xe được đóng gói cẩn thận và gửi qua đường bưu cục đến tận tay người nhận. Khi xe có tình trạng hư hỏng sẽ được thầy sửa và gửi lại một chiếc khác. Toàn bộ kinh phí lắp ráp và gửi tặng hoàn toàn miễn phí.
Sư thầy Đức Minh tâm sự: “Khi thấy những người khuyết tật đi trên xe lăn mình tặng, thầy thấy giống như họ đang đi giúp thầy vậy. Việc tặng xe lăn giống như cho họ cơ hội được hoà nhập, phát triển, giúp họ thoả mãn ước mơ. Đa phần họ xin xe lăn để về bán vé số, mỗi ngày lời 50, 100 ngàn đồng, có thể thầy sẽ cho được 50, 100 ngàn đó, nhưng việc các bạn kiếm được đồng tiền bằng chính sức mình sẽ chân chính hơn, mình rất quý trọng điều đó, họ bị khuyết tật thân thể nhưng tâm hồn thì không. Đó là lý do thầy vẫn luôn nghĩ việc thầy đang làm là giúp đỡ rất thiết thực cho các bạn”.
Ngoài việc tặng xe lăn miễn phí, sư thầy Đức Minh còn hỗ trợ thêm cả chi phí điều trị bệnh và giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân tại đạo tràng cho đến khi bình phục.
Với sư thầy Đức Minh, niềm vui không đến từ việc thầy đã giúp đỡ bao nhiêu người mà đến từ việc được nhìn thấy những người khuyết tật mình giúp đỡ sống tốt lên từng ngày, có thể di chuyển và mưu sinh trên những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ thầy gửi tặng.