Chuyện về sư thầy chuyên phục chế xe lăn cho người khuyết tật, hết lòng với bệnh nhân nghèo
Trong đạo Phật thường nói đến tình thương và sự hiểu biết, hay từ bi và trí tuệ phải đi đôi với nhau. Lòng tốt thuộc về từ bi, lòng tốt muốn có giá trị, muốn phát huy tác dụng cần phải có hiểu biết, khiêm nhường. Do vậy, làm thế nào để sử dụng lòng tốt đúng cách là việc không hề đơn giản. Suốt hơn 10 năm qua, Đại đức Thích Đức Minh (Đạo tràng An Viên, quận 12, TP.HCM) đã dành nhiều tâm huyết phục chế những chiếc xe lăn cũ, hư hỏng và tặng miễn phí cho người khuyết tật.
Chúng tôi đã đến thăm Đạo tràng An Viên vào một ngày nắng ấm, tiếp chúng tôi là Đại đức Thích Đức Minh. Đối với tôi, được gặp và làm việc cùng Thầy Đức Minh là một điều rất may mắn. Ấn tượng ban đầu Thầy để lại trong tôi là sự phúc hậu hiện hữu trên gương mặt. Quả thật trong suốt quá trình làm việc, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều đó trong lối cư xử với người cộng tác và cách hành văn. Sự cởi mở, đồng cảm của Thầy khiến người nghe thoải mái vì thế rất dễ đi vào câu chuyện.
Đại đức Thích Đức Minh (SN 1982) sinh ra trong gia đình kính tín Tam bảo. Bén duyên với Phật Pháp từ thuở nhỏ, Thầy Đức Minh chọn con đường xuất sĩ “học Phật, tu thân”. Trong thời gian từ những năm 2008-2022, Thầy đã có nhiều đóng góp cho công tác từ thiện – xã hội, góp phần chia sẻ lắng nghe nỗi khổ niềm đau của những bệnh nhân nghèo và đặc biệt họ là người khuyết tật nặng.
Đạo tràng An Viên được nhiều người ví von là “ngôi xưởng” nghĩa tình của những người kém may mắn về ngoại hình. Đây là nơi ra đời hàng ngàn chiếc xe lăn suốt nhiều năm qua, ngoài những tiếng mõ, tiếng chuông, mỗi ngày người dân xung quanh còn nghe tiếng máy ngoan, tiếng búa khi sư thầy phục chế những chiếc xe lăn cho người khuyết tật.
Mỗi ngày, Thầy Đức Minh dành một khoản thời gian nhất định bắt đầu mang những chiếc xe được xếp trong góc lau chùi cẩn thận, sau đó sửa chữa tay cầm, thay mới vỏ xe, thiết kế những điểm khác nhau trên xe để phù hợp cho những khuyết điểm của những người khuyết tật.
Sau khi xe hoàn thiện, thầy gấp gọn, bọc nilon cho sạch sẽ rồi nhờ bưu điện gửi đến tận nhà cho người cần. “Vì người khuyết tật đi lại rất khó khăn nên tôi không để các bạn ấy đến một địa điểm cụ thể nào nhận xe. Tôi sẽ nhờ bưu điện gửi xe đến tận nhà cho các bạn”, thầy Đức Minh cho biết thêm.
Chia sẻ về việc phục chế những chiếc xe lăn “đặc biệt” tặng miễn phí, thầy Đức Minh cho biết do cơ duyên. Vào năm 2015, một lần có dịp ghé thăm các bệnh viện, nhận thấy có nhiều bệnh nhân bị lở loét và đang điều trị phục hồi chức năng. Các bệnh nhân ở đó phải mượn xe lăn của bệnh viện để di chuyển, sau khi về nhà chỉ có thể nằm yên một chỗ vì không có xe nên thầy đã nghĩ tới việc tặng những chiếc xe lăn cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
“Đối với thầy, chiếc xe lăn như đôi chân của người khuyết tật, giúp họ có thể hoà nhập, di chuyển và bước ra ngoài xã hội. Những người khuyết tật cũng có mơ ước được đứng lên, đi đây đi đó như bao người chứ không phải nằm yên một chỗ, vì vậy nên thầy quyết định lựa chọn làm việc này”, thầy Đức Minh bộc bạch.
Ban đầu, để có thể phục chế được một chiếc xe, thầy phải tự mày mò, tìm hiểu về cấu trúc, phụ tùng lắp ráp, có những hôm phải lặn lội hàng chục cây số để săn lùng khắp các bãi phế liệu, chợ đồ cũ,… để tìm mua một chiếc xe cũ còn sử dụng tốt. Trung bình chi phí mua cũ kèm phụ tùng tái chế một chiếc xe lăn giao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Trước khi bắt tay vào công việc, thầy còn phải tìm hiểu về tình trạng của từng người nhận, vì mỗi người một hoàn cảnh, có người có bị khuyết tật ở tay, có người bị ở chân, ở đùi, có người bị liệt cả người… và tuỳ tình trạng mỗi người lại có một kiểu xe phù hợp để tiện di chuyển và hoạt động, đó là lý do những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ ra đời.
Ví dụ, người bị tai nạn chấn tổn thương tủy sống, liệt hai chân thì cần xe có chỗ gác tay tháo lắp được để họ gỡ ra, chống hai tay nhích mông từ giường hoặc ghế ngồi sang và ngược lại. Người mất một chân thì chiếc xe không cần phải có đủ 2 bên gác chân. Có người sẽ cần chiếc xe có thể ngả lưng hay có sẵn bộ vệ sinh bên dưới…
Vì thế, trước khi phục chế xe để gửi tặng, thầy Đức Minh luôn hỏi chiều cao, cân nặng, tình trạng khuyết tật của người nhận để làm xe phù hợp. Sau hơn 10 năm gắn bó với người khuyết tật, sư thầy tự nhận bản thân đã trở thành một “chuyên gia” phục chế xe, hiểu được từng người khuyết tật muốn một chiếc xe như thế nào.
Hiện tại, mỗi tháng thầy Đức Minh hồi sinh từ 45 -100 chiếc, tính ra mỗi năm cũng có từ 500 – 1000 chiếc xe lăn được trao tặng cho người yếu thế khắp cả nước. Kinh phí để duy trì hoạt động này là từ việc vận động nhà hảo tâm, phật tử, tổ chức những buổi tiệc chay để gây quỹ…Với thầy Đức Minh, niềm vui không đến từ việc thầy đã giúp đỡ bao nhiêu người mà đến từ việc được nhìn thấy những người khuyết tật mình giúp đỡ sống tốt lên từng ngày, có thể di chuyển và mưu sinh trên những chiếc xe lăn ‘đặc biệt’ thầy gửi tặng
Sau nhiều năm tiếp xúc, hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật, thầy Đức Minh nhận ra họ không chỉ cần một chiếc xe lăn là xong. Nhiều người bị liệt hai chân dẫn đến mất cảm giác, khi ngồi, nằm lâu sẽ lở loét, hoại tử phần thịt ở mông. Không đành lòng, sư thầy đón họ đến Đạo tràng, đưa đi bệnh viện để chữa trị. Tuy nhiên, quãng đường từ quốc lộ vào đến Đạo tràng An Viên của thầy Đức Minh xe lớn không thể vào, nếu chuyển bệnh nhân bằng băng ca trên đoạn đường gồ ghề, vào đến nơi thì thường bị chảy máu. Chưa kể, khuôn viên Đạo tràng nhỏ, sinh hoạt của nhiều bệnh nhân ảnh hưởng đến việc tu tập của các môn đồ. Vì thế, 2 năm trước, thầy Đức Minh đã xây dựng một cơ sở từ thiện khang trang, sạch sẽ và xin giấy phép khai trương Phòng khám chuyên khoa Y Học cổ truyền Sơn Đài Minh Viện tại đường Đinh Đức Thiện, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cơ sở này để khám bệnh, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và phát thuốc miễn phí.
Tấm lòng thầy luôn hướng về bệnh nhân bị khuyết tật nặng, thầy luôn trăn trở trong lòng mỗi khi có một bệnh nhân không có tiền đi chữa bệnh. Thầy vận dụng mọi cách và bằng mọi sự hỗ trợ, kết nối các bác sĩ cho các bệnh nhân một cách bài bản và chuyên nghiệp. Thầy Đức Minh cũng đang ấp ủ xây dựng một bệnh viện đa khoa, khám chữa bệnh cứu người bằng tình thương, không bỏ mặt bệnh nhân khi họ không có tiền. Với tâm nguyện đó, việc làm của Đại đức Thích Đức Minh không phải là việc làm ngẫu hứng mà là tâm lượng từ bi của một người “học Phật tu thân”.
Đặng Hải