Bên trong ngôi chùa nhỏ, vị sư tái chế ngàn xe lăn tặng người cần

Thợ không nhận sửa, người được thuê cũng ‘bỏ chạy’, 7 năm qua, thầy Thích Đức Minh một mình mày mò, tái chế những chiếc xe lăn cũ rồi đem tặng người khuyết tật ở khắp mọi miền đất nước.

Không chỉ là đem cho…

Trưa một ngày tháng Năm ở vùng ngoại ô TP.HCM vắng ngắt. Tiếng động cơ chiếc máy vặn ốc vít cầm tay, tiếng búa gõ vào kim loại… phát ra từ đạo tràng An Viên (quận 12, TP.HCM) như ồn ã hơn gấp bội.

Những thanh âm ấy đến từ công việc sửa chữa, tái chế xe lăn cũ của sư Thích Đức Minh. Bảy năm qua, thầy vẫn lặng lẽ làm công việc mua, tái chế xe lăn cũ rồi đem tặng cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo.

Công việc thiện nguyện này đến với thầy Đức Minh từ năm 2015. Khởi đầu, thầy chỉ xin, mua lại xe lăn cũ rồi đem tặng cho người già, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật.

Đạo tràng An Viên thanh tịnh, ẩn hiện dưới những tán cây xanh mát.

Tuy nhiên sau đó, thầy cảm thấy không hài lòng với cách làm này của mình. Bởi, với cách cho, tặng như trên, thầy không biết “người nhận có sử dụng xe được hay không, chiếc xe có phù hợp với chủ mới hay không”.

Sau này, thầy dành nhiều thời gian tiếp xúc, tổ chức những buổi nói chuyện với người khuyết tật trên mọi miền đất nước. Tại đây, thầy lắng nghe, hiểu được một chiếc xe lăn phù hợp rất cần thiết đối với người khuyết tật.

Tuy nhiên, không thể tặng chung một loại xe lăn nhất định cho những người này. Bởi, mỗi người khuyết tật có một cơ địa, hoàn cảnh riêng. Do đó, họ cần những chiếc xe lăn riêng, phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Bên trong, khuôn viên đạo tràng như được lấp đầy bởi những chiếc xe lăn cũ, hỏng.

Sư Minh Đức chia sẻ: “Làm từ thiện không chỉ là đem cho mà phải biết cái mình cho đi có giúp ích, phù hợp với người nhận hay không. Tặng xe lăn cũng vậy”.

“Tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người khuyết tật về chiếc xe lăn mơ ước của mình. Sau đó, tôi cố gắng sửa chữa, tái chế những chiếc xe lăn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng đó rồi đem tặng họ”.

Những chiếc xe được trao đi, thầy Minh Đức nhận về niềm vui, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của người được nhận. Nhờ chiếc xe lăn phù hợp, họ không chỉ có thể tự tắm gội, di chuyển mà còn có thể tự mưu sinh.

Đây là nơi thầy Thích Đức Minh sửa chữa, tái chế xe lăn cũ để tặng người khuyết tật.

Nhận thấy việc làm của mình đi đúng hướng, thầy tiếp tục bỏ tiền túi tìm mua xe lăn cũ từ các bãi phế liệu, tiệm kinh doanh đồ cũ, thậm chí từ nước ngoài. Một số khác, thầy được mạnh thường quân hỗ trợ.

Thế là khuôn viên đạo tràng nhỏ bé, khuất sau bờ kênh rợp bóng cây bồ đề, lộc vừng bị lấp đầy bởi những chiếc xe lăn cũ, hỏng. Cũng từ đây, thầy Đức Minh bắt đầu công việc tái chế xe lăn.

Bảy năm kiên trì

Do không chuyên về việc sửa chữa, những ngày đầu tái chế xe lăn, thầy Đức Minh gặp vô vàn trở ngại. Việc nhiều người tin rằng sửa, để xe lăn cũ trong nhà, cửa tiệm sẽ gặp xui xẻo lại càng khiến thầy gặp nhiều khó khăn hơn.

Thầy đã một mình làm công việc này suốt 7 năm qua.

Trước đây, mỗi khi mua hoặc xin được xe lăn cũ mà chưa thể đem về đạo tràng, thầy Đức Minh thường tìm cách gửi nhờ ở nhà, cửa tiệm người quen. Thế nhưng gần như không ai đồng ý vì “sợ gặp xui xẻo”.

Khi đem xe lăn cũ đến các tiệm sửa xe để sửa chữa, thay thế phụ tùng hỏng hóc…, chủ tiệm cũng không nhận. Họ nói rằng sửa xe lăn sẽ gặp vận xui vì đó là xe của người gặp tai nạn, bạo bệnh, người đã chết…

Không thể đem xe đến tiệm sửa chữa, thầy thuê người đến đạo tràng làm việc tái chế xe lăn với tiền công 400.000 đồng/ngày. Tuy vậy, những người này “chỉ làm được vài ngày rồi bỏ chạy” vì công việc quá tốn chất xám, thời gian, sợ gặp xui.

Tất cả xe lăn ở đây đều đã cũ và qua sử dụng nên hư hỏng cần được sửa chữa, thay thế nhiều phụ tùng.

Thầy Đức Minh chia sẻ: “Tất cả các xe lăn đã qua sử dụng nên phần lớn bị hư hỏng phải tháo lắp, thay thế mới từ bộ phận này sang bộ phận kia. Có những chiếc sửa đi, sửa lại, tìm kiếm phụ tùng thay thế đến mấy ngày mới được”.

“Đặc biệt, khi sửa, tái chế, cần phải làm sao cho phù hợp với nhu cầu của người được nhận. Do đó, công việc này cũng cần nhiều thời gian, công sức. Những ai không đủ lòng kiên nhẫn sẽ không làm được. Vì thế, suốt 7 năm qua, tôi đành lặng lẽ làm một mình”, thầy cho biết thêm.

Mỗi ngày, thầy dành hết thời gian nhàn rỗi của mình vào việc tái chế xe lăn. Nếu ban ngày không đủ thời gian, thầy tiếp tục chong đèn, thức đêm để sửa.

Mỗi ngày, thầy đều dành hết thời gian rỗi của mình vào việc tái chế xe lăn.

Suốt nhiều năm qua, mỗi tháng, thầy gửi tặng cho người khuyết tật từ 20-30 chiếc xe lăn đã tái chế hoàn thiện. Việc này khiến thầy Đức Minh được người khuyết tật đặt cho biệt danh là “ông thầy tặng xe lăn”.

Đến nay, những người khuyết tật cần xe lăn sẽ tự động liên hệ với thầy Đức Minh bằng cách gọi điện thoại, gửi thư điện tử. Trong thư, người muốn được nhận xe nói rõ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại.

Ngoài ra, người nhận còn phải viết một đoạn ghi chú nhỏ miêu tả tình trạng của mình như: khuyết tật như thế nào, cần chiếc xe lăn ra sao, xin xe để sử dụng vào mục đích sinh hoạt hay mưu sinh…

Sau khi hoàn thiện chiếc xe, thầy gấp gọn, bọc nilon rồi nhờ bưu điện gửi đến tận nhà cho người cần.

Tùy vào những ghi chú này, thầy Đức Minh sẽ tìm chiếc xe lăn cũ phù hợp, sẵn có trong đạo tràng. Sau đó, thầy tỉ mẩn ngồi sửa chữa, hoàn thiện chiếc xe sao cho thích hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người cần.

Sau khi xe hoàn thiện, thầy gấp gọn, bọc nilon cho sạch sẽ rồi nhờ bưu điện gửi đến tận nhà cho người cần. “Vì người khuyết tật đi lại rất khó khăn nên tôi không để các bạn ấy đến một địa điểm cụ thể nào nhận xe. Tôi sẽ nhờ bưu điện gửi xe đến tận nhà cho các bạn”, thầy Đức Minh cho biết thêm.

Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn

Báo VietnamNet

Gốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.