Muôn kiếp nhân sinh
Muôn kiếp nhân sinh nhắc tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà Phật được trích lục trong Nhập thế, lạc mà không lạc: Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Có thể hiểu rằng Bồ tát là người gieo nhân có thiện tâm vô cùng cẩn thận, còn quả đến hay không thì nhân quả quyết, nên chỉ sợ nhân, gieo nhân cẩn thận thôi; còn chúng sinh sợ quả, tức là sợ hãi một điều gì đó sẽ xảy ra ấy. Và gieo nhân gặp quả của chính ta, chứ không phải gặp quả do người khác gieo nhân.
Bắt đầu với quan niệm nghiệp Nhân quả, tôi có liên tưởng khá thú vị với Luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, bạn biết rằng, năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác. Tương tự với Nhân quả, nhân quả không tự sinh ra mà do chính chúng ta tự tay gieo trồng, nhân quả cũng không mất đi mà chỉ chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Nói cho dễ hiểu thì thế này, bất cứ hành động, lời nói hay tư tưởng của chúng ta đều là nhân và đến một thời điểm nào đó quả sẽ trổ, nó có thể nhảy xổ vào cuộc đời bạn, vào những người thân của bạn ở kiếp này hoặc kiếp sau, thậm chí ở nhiều kiếp sau nữa. Nếu chưa đến ngay, thì ít nhất là tất yếu, không chạy đâu cho thoát.Bởi vì cuộc đời chúng ta là hữu hạn nên không mấy ai có thể nhìn rõ những tác động của tạo hóa. Không có gì xảy ra tự nhiên mà đều tuân theo quy luật bất biến. Những gì xảy ra với chúng ta trong đời sống hiện tại đều là quả của các nhân đã gieo trồng từ trước.
Trong hành tinh này cũng có những chu kỳ luân hồi – theo một quy luật không có gì là vĩnh hằng mãi mãi, ngay cả lúc này bởi không chỉ có kiếp người mới có luân hồi, tái sinh mà các đế chế, triều đại, các nền văn minh đều chịu chung một số phận.Tương tự như vậy, mọi sự thay đổi của thế giới mặc nhiên là theo một vòng xoáy. Mỗi vòng là một chu kỳ bao gồm bốn giai đoạn: Thành (khi mới khai lập) – Trụ (phát triển lớn mạnh) – Hoại (bắt đầu suy thoái) – cuối cùng là Diệt (biến mất) trước khi chuyển sang một chu kỳ khác. Đời người cũng thế, bắt đầu từ khi mới sinh ra, lớn lên, rồi già yếu và sau cùng là chết.Người ta vẫn nói, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí. Thực ra đời người không chỉ sống có một lần thôi đâu, dù bạn có tôn giáo hay không hoặc không có tôn giáo nào, dù bạn tin hay không tin thì Luân hồi và Luật nhân quả vẫn cứ xảy ra bởi vì Nhân quả và Luân hồi không phải của riêng đạo Phật hay Phật pháp mà nó là quy luật vận hành của vũ trụ, của cuộc đời.Những người có tín ngưỡng thì tin rằng còn có một sự sống ở bên kia cửa tử, lại có ý kiến khác cho rằng chết là hết, người ta không còn gì cả. Nếu theo lý giải ở khía cạnh khoa học thì sự sống ngừng lại ở chỗ hơi thở chấm dứt, có vẻ như rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết rằng hầu hết những tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, mà còn có một cái gì đó tồn tại. Dù được gọi là linh hồn hay thực thể thì nó vẫn tiếp tục hiện hữu trong hình thức này hay hình thức khác nhập vào một thể xác khác để sống trong kiếp sau. Và có tiếp tục được đầu thai làm người (người như thế nào) vi khuẩn, sâu bọ hay súc vật, ma quỷ lại tùy thuộc vào thiện nghiệp hay ác nghiệp chúng ta làm từ những kiếp sống trước
Trong cuộc sống này, mỗi người trong chúng ta sống phải có trách nhiệm, trước khi làm bất cứ điều gì hãy nghĩ đến hậu quả. cái chân thiện mỹ điều luôn thúc bách, giữ chúng ta luôn ở trên con đường đúng đắn, ngăn chặn chúng ta khỏi bị sa vào những nơi lầm lạc. Cuối cùng thì, kiếp trước như thế nào không ai nhớ, kiếp sau ra sao chẳng ai hay nhưng ta có thể chắc chắn một điều, tất cả chúng ta đều đang nỗ lực hết mình để sống tốt ở kiếp này.