Sư thầy tái chế cả nghìn xe lăn cho ai khó khăn để họ ‘ngắm bầu trời rộng lớn ngoài kia’
“Xe lăn là đôi chân của họ, giúp họ có thể đi ra khỏi giường bệnh và nhìn ngắm bầu trời rộng lớn ngoài kia”, thầy Đức Minh nói.
“Những đôi chân tròn” cho người nghèo
12h trưa, trời nắng gắt, người đàn ông có khuôn mặt hiền lành vác “xác” của chiếc xe lăn cùng 5 vỏ bọc quạt máy đặt ngay ngắn trước thềm đạo tràng An Viên (quận 12, TP.HCM). Sư thầy Đức Minh từ tốn bước ra, tỉ mẩn xem từng bánh xe, tấm đệm đã sờn cũ…
Chỉ vài ngày nữa thôi, vỏ bọc sẽ được lau chùi cẩn thận, gắn vào các cây quạt, phục vụ cho người khuyết tật lưu trú tại đạo tràng để đi chữa bệnh. Chiếc xe khập khễnh, hư hỏng nặng cũng sẽ được tái chế lại thành chiếc xe lăn vững chãi.
Đó là công việc lặng thầm mà thầy Đức Minh cùng vài phật tử đã gắn bó suốt 7 năm qua. “Năm 2015, tôi theo các đoàn từ thiện đến Bệnh viện Phục hồi Chức năng (quận 8), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (quận 5). Tại đây, tôi được tiếp xúc với những cuộc đời đầy đớn đau, họ bị gãy cột sống, không còn khả năng lao động. Đứng trước những hoàn cảnh này, tôi tự đặt câu hỏi rằng họ đang cần gì. Dù ở trong bệnh viện, xe lăn họ vẫn phải đi mượn chứ không có tiền để mua. Một chiếc xe lăn từ 1,5 triệu đến 3 triệu nhưng cũng là số tiền lớn với họ.
Tôi trở về chùa và bắt đầu đi tìm mua xe lăn. Sau này, khi số lượng nhiều hơn, tôi thấy mình không có khả năng mới bắt đầu đi mua đồ cũ rồi sửa lại. Ban đầu, tôi mua những chiếc xe lăn cũ với từ 200.000-300.000 đồng, phần được các Phật tử tặng thêm”, thầy Đức Minh nói.
Từ đó, thầy Đức Minh bắt đầu tìm hiểu về cấu trúc của xe lăn, mày mò đi tìm mua từng phụ tùng như để lắp ráp. “Có chiếc nhận về chỉ có khung sắt thôi, có phần còn rỉ sét do bệnh nhân người ta ngồi lên xe để tắm. Đây là nguyên nhân khiến xe dễ xuống cấp nhất. Tôi xuống Chợ Lớn (quận 5) để tìm mua bánh xe, vỏ xe, tấm gỗ, miếng vải bố… Nói chung thiếu cái gì, mình mua phụ kiện để đắp cái đó. Chiếc xe chính là đôi chân của người khuyết tật, vì thế, tôi muốn làm cho nó thật vững chãi để họ an tâm và bước đi”, thầy Minh nói.
Dần dần thành quen, tính đến thời điểm hiện tại, thầy Minh đã làm ra được hàng nghìn chiếc xe lăn, gửi tặng bệnh nhân khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi ngày, thầy Minh cùng các Phật tử có thể làm từ 3-4 chiếc xe, sau khi hoàn thành sẽ chuyển đến bưu điện.
Thi thoảng, khi đóng xe lăn gửi đi, thầy Minh vẫn nhét thêm vào đó hộp khẩu trang, túi bánh… như một món quà nho nhỏ động viên họ vượt qua khó khăn.
“Đa phần, người ngồi xe lăn lâu sẽ gặp một biến chứng là lở loét thịt da. Mỗi chiếc xe lăn mà chúng tôi làm ra đều tương thích, phù hợp với người được tặng. Ví dụ, tôi sẽ hỏi họ tình trạng thế nào, có những người đi bán vé số, trên nóc phải có mui che, có bạn lại không đi vệ sinh được, tôi buộc phải có những thiết kế khác. Có người xe lăn bề ngang chỉ cần 30 cm, có người lại là 40 cm”, thầy Minh tâm sự.
Lắng nghe những câu chuyện rơi nước mắt
Khoảng 2 năm, có những người lại liên hệ với thầy Đức Minh để xin chiếc xe mới. Vì cuộc sống mưu sinh, chiếc xe lăn “tả tơi”, bạc màu, thắng cũng không còn ăn… Những lần như thế, thầy chưa bao giờ từ chối.
Mỗi con người ngồi trên chiếc xe lăn, họ đều có một câu chuyện dài đằng sau. Có người vốn không phải là người khuyết tật, nhưng qua một tai nạn lao động, họ mất tất cả, đổ vỡ hôn nhân, không còn sức lao động, không có khả năng làm ra tiền…
“Nhiều người không may bị tai nạn lao động như té cầu thang, cột điện, té giàn giáo, tai nạn xe… Trong lúc quẫn bách nhất, thậm chí họ đã tìm đến cách quyên sinh. Tôi đã từng chứng kiến những hoàn cảnh rất thương tâm như vậy. Chiếc xe lăn như một đôi chân giúp họ bước ra ngắm nhìn bầu trời rộng lớn ngoài kia, cởi bỏ nỗi mặc cảm. Có lúc, tôi lại nhận được lời cảm ơn rằng thầy ơi, nhờ có thầy mà con có thể đi ra ngoài sân, hít khí trời, không phải nằm nhà nữa”, thầy Minh chia sẻ.
Có những người khuyết tật từ xa đến TP.HCM chữa bệnh đã chọn đạo tràng An Viên làm nơi lưu trú. Mỗi lần như thế, thầy và các đệ tử lại tất tả chuẩn bị đủ số lượng quạt máy, chiếu, mền… để họ có một chỗ nghỉ tươm tất.
Tiếp khách xong, thầy Minh lại bắt đầu công việc của mình. Thầy mang bộ đồ nghề gồm rất nhiều tua vít, đinh lẫn lốp xe dự phòng ra… Hơn 7 năm qua, thầy Minh “nói vui” rằng mình đã có thêm một nghề tay trái. Từ khi là người không biết gì về xe lăn, thầy đã mày mò để tạo nên những chiếc xe chắc chắn, để chúng trở thành “đôi chân” cho những người khuyết tật.