Tán thưởng người khác là một loại mỹ đức

Tán thưởng, khen ngợi người khác không chỉ khiến họ có động lực hơn mà còn là một loại tu dưỡng nhân cách, là cách làm thăng hoa khí chất của chính bản thân mình, cũng thể hiện ra cách đối nhân xử thế của bản thân, khiến tấm lòng mình rộng mở hơn.
Một người có khả năng vô tư vô lợi mà tán thưởng, khen ngợi người khác một cách chân thành thì sẽ khiến bản thân biết được chỗ thiếu sót của mình, đồng thời có thể hiểu được “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, từ đó mà không ngừng hoàn thiện chính mình.
Nhà triết học người Anh, Francis Bacon từng nói rằng người mà biết tán thưởng người khác thì trong tâm có ánh bình minh, có giọt sương và những đóa hoa đua nhau nở rộ, người mà coi thường người khác thì trong tâm kết băng giá, bốn bề khô kiệt, sơn cốc hoang vu.
Nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ, Dale Breckenridge Carnegie, cũng từng nói rằng khen ngợi người khác một cách thuyết phục luôn là cách tốt để giành được thiện cảm của mọi người. Bởi vậy, con người sống trên đời nên học cách tán thưởng, khen ngợi người khác, thường xuyên tán thưởng người khác nhiều hơn một chút thay vì thường xuyên chỉ trích lỗi lầm.
Có một câu chuyện kể về nhà văn nổi tiếng Đài Loan Lâm Thanh Huyền như thế này. Lâm Thanh Huyền hồi còn là học sinh cấp hai, học lực và hạnh kiểm của ông đều xếp loại kém. Năm ấy, ông có hai lần mắc lỗi nghiêm trọng và hai lần lỗi nhẹ, cho nên đã bị lưu ban, thậm chí còn bị đuổi khỏi ký túc xá của trường.
Rất nhiều thầy cô đã không còn hy vọng gì ở ông, nhưng thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương của ông lại không hề ghét bỏ ông. Người thầy này thường hay đưa ông về nhà ăn cơm, khi thầy bận việc phải nghỉ, còn bảo Lâm Thanh Huyền mang bài lên lớp cho các bạn.
Thầy giáo Vương từng nói với Lâm Thanh Huyền rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.
Những lời nói này của thầy đã khiến cho Lâm Thanh Huyền cảm động và trong lòng thực sự bị chấn động sâu sắc. Để không phụ nỗi khổ tâm của thầy giáo, từ đó về sau ông luôn nỗ lực cố gắng, quyết tâm trở thành một người có ích cho xã hội.
Quả nhiên sau này Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên nổi tiếng của Đài Loan. Trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp, ông cảm thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án rất tinh vi tỉ mỉ, sau cùng không kìm được lòng mình ông đã viết ra rằng: “Một tên trộm có tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy, nếu hắn làm bất luận việc gì thì đều sẽ có thành tựu nhất định”.
Ông không từng nghĩ rằng, một câu nói vô tình chỉ thuận miệng mà nói ra như vậy của mình lại ảnh hưởng đến cuộc đời của một người thanh niên. Hai mươi năm sau tên trộm đó đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một ông chủ doanh nghiệp có tiếng tăm.
Trong một lần bất ngờ gặp nhà báo Lâm Thanh Huyền, ông chủ doanh nghiệp này đã chân thành nói: “Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong con người tôi. Nó khiến tôi nghĩ rằng ngoài việc làm một tên ăn trộm ra, tôi còn có thể làm được những việc đúng đắn khác”. Và quả thực, tên trộm đã thoát thai hoán cốt, trở thành một con người hoàn toàn mới.
Nếu như năm đó không có những lời tán thưởng của thầy giáo, Lâm Thanh Huyền liệu có thể trở thành một người thành đạt như vậy? Và nếu như không có sự tán thưởng của Lâm Thanh Huyền, liệu tên trộm có đạt được những thành tựu của ngày hôm nay? Có thể thấy rằng, sự tán thưởng đối với nhân sinh là vô cùng quan trọng. Nó có thể cải biến cả cuộc đời của một người từ xấu thành tốt.
Trong cuộc sống hiện thực, mỗi người đều có khát vọng, mong ước được người khác tán thưởng, khen ngợi. Đồng dạng như vậy, mỗi người cũng cần học cách tán thưởng, khen ngợi người khác. Tán thưởng người khác và được người khác tán thưởng đều mang lại một sức mạnh to lớn cho đôi bên. Nó khiến tâm của người ta trở nên khoái hoạt hơn, mối quan hệ giữa đôi bên cũng nhân ái, an tường hơn. Tán thưởng, khen ngợi người khác còn khiến họ hướng đến thiện niệm, cải biến nhân sinh quan. Bởi vậy, tán thưởng người khác là một loại mỹ đức.
Khi chúng ta muốn phê bình, góp ý với người khác thì nhất định phải thận trọng. Trước hết phải nghĩ xem lời mà chúng ta nên nói là như thế nào, thiên về chỉ trích hay thiện chí góp ý. Bởi vì sức nặng của lời nói là vô cùng lớn. Nói một lời khích lệ giống như một đóa hoa sen nở ra, nói một lời ác giống như ngàn dao đâm tới.
Một số người không thể nói lời tán thưởng, khen ngợi người khác, thì chính là vì tâm đố kỵ quá lớn. Người mà tâm đố kỵ quá lớn thì thông thường một khi bản thân có thành tích, có vẻ vang liền hoan hỷ, nhưng khi người khác có thành tích, có tiến bộ thì không vui, thậm chí châm biếm đả kích, ghen tức tật đố đến mức khó chịu, không thể nói được lời khen ngợi. Kỳ thực, đố kỵ là biểu hiện của sự vô năng, vượt qua đố kỵ thì chính là biểu hiện của năng lực. Nếu một người thân không có tài nghệ, tâm không có thiện lương, chứa đầy sự đố kỵ, mà lại tự cao tự đại, kiêu ngạo ngút trời thì thật khó để tán thưởng, khen ngợi người khác. Người như vậy cũng khó để được người khác tán thưởng, quý trọng.
Nhân sinh có “xả” mới có thể đắc được. Một người có thể nguyện ý cho đi những lời khích lệ, lời tán thưởng chân thành thì người ấy cũng sẽ nhận được sự khoái hoạt trong tâm, đồng thời cũng nhận được sự tán thưởng từ người khác. Trái lại, một người luôn chỉ muốn đắc được mà không muốn xả thì tâm lượng hẹp hòi, thật khó để người khác nguyện ý kết giao, cuộc đời người ấy cũng khó đạt được niềm hạnh phúc và khoái hoạt thực sự.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.